CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:11

Cha mẹ khó chấp nhận con bị tự kỷ

Không giống như những căn bệnh thông thường, khởi phát sốt hoặc sẽ có những biểu hiện cụ thể, chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em thường diễn ra hết sức âm thầm theo thời gian, nếu cha mẹ hay những người thường xuyên gần gũi với các em không để ý, quan tâm sẽ rất khó để phát hiện, bởi ở mỗi trẻ, các biểu hiện cụ thể cũng sẽ khác nhau, dễ dẫn đến nhầm lẫn, khi được phát hiện thì đã quá muộn. 

Dành thời gian quan tâm đến con và lưu ý các biểu hiện khác lạ chính là cách phát hiện sớm chứng bệnh tự kỷ và các căn bệnh khác ở trẻ

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thuận (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) là một ví dụ. Đã hơn một năm nay, cứ nhắc đến chuyện con cái là chị lại rầu rĩ, buồn phiền. Năm 2013, sinh con trai đầu lòng được 6 tháng, chị cùng chồng khăn gói ra Đà Nẵng thuê nhà ở để tiếp tục đi làm.  Chồng là công nhân xây dựng, chị làm công nhân may ở khu công nghiệp Hòa Khánh, con trai được chị gửi tại một nhà giữ trẻ tự phát gần nơi ở.

Công việc sáng đi tối về, cuộc sống cứ như vậy lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, thời gian duy nhất chị dành được cho con chỉ là chút thời gian buổi tối ngắn ngủi. Có những ngày tăng ca mệt mỏi, mỗi khi con khóc, mè nheo, chị lại lấy điện thoại cho con xem đến khi cháu tự thiếp vào giấc ngủ. Mọi việc sẽ cứ diễn ra như vậy nếu như không có một ngày, cả gia đình chị về quê ăn giỗ ông nội chồng.

Trong khi các cháu nhỏ vui chơi, quây quần cười nói thì con trai chị lại chỉ ngồi một góc tự chơi theo ý mình, ai hỏi cũng không nghe, không thấy, bạn đến gần thì bị cháu đánh rất đau và tỏ vẻ cáu kỉnh. “Mọi người nói con mình bị tự kỷ mình đã phản ứng lại, bênh vực cháu vì thấy tự ái, nhưng bản thân bắt đầu cảm thấy lo lắng.”, chị Thuận kể.

          Tìm hiểu những biểu hiện của trẻ tự kỷ, theo dõi hành động của con, chị Thuận càng hoảng hốt khi phát hiện con mình có những hành động tương tự của trẻ bị tự kỷ. “Không muốn tin vào sự thật, chỉ đến khi nghe bác sĩ chuẩn đoán cháu mắc chứng tự kỷ tôi mới thực sự cảm thấy hoang mang, hối hận vô cùng vì lâu nay, gánh nặng cuộc sống mưu sinh đã khiến tôi không có nhiều thời gian quan tâm đến con hơn.”, chị Thuận cho biết.

Còn với trường hợp của cháu Nguyễn Duy Đức (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), gần 5 tuổi nhưng Đức lại rất khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, không nói chuyện với bất kỳ ai và không chơi với bạn bè đồng trang lứa. Chị Nguyễn Thu Hương, mẹ của Đức cho biết “Lúc đầu, mình cứ nghĩ con chậm phát triển, chậm biết nói...nên chủ quan, đến khi cháu lớn hơn nhưng tình trạng cũng không cải thiện hơn, gia đình cho cháu đi khám bác sĩ thì mới biết cháu bị bệnh tự kỷ”.

          Thực tế, không khó để phát hiện trẻ có những biểu hiện khác lạ, trẻ có phải bị tự kỷ hay không cần được thăm khám, chuẩn đoán nhằm có hướng trị liệu sớm, giúp các em có được cơ hội phục hồi tốt. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp, cha mẹ thường bỏ qua những biểu hiện ban đầu, không thừa nhận bệnh của con mình, hoặc chủ quan không cho con đi khám, dễ dẫn đến khi được phát hiện thì bệnh đã nặng.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Số lượng trẻ được chuẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Tại TP. Đà Nẵng, nạn nhân chất độc da cam có nhiều em là trẻ tự kỷ, tại Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em đến trị liệu về chứng bệnh tự kỷ.

Bệnh tự kỷ đang ngày một gia tăng, bất kể là ở môi trường thành thị hay nông thôn, theo bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống bị ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh đến từ các biến chứng khi là sinh rất lớn. Nếu cha mẹ chú ý sẽ có thể phát hiện được bệnh của con từ khi còn nhỏ. Đối với những đứa trẻ bình thường, trẻ có thể nghe tiếng và ngửi được mùi của mẹ, biểu hiện rõ nhất khi trẻ được mẹ âu yếm hay ôm vào lòng, còn đối với trẻ tự kỷ thì gần như không có hoặc ít có cảm nhận bằng các giác quan.

“Không dễ gì để cha mẹ nào có thể chấp nhận đứa con mình hết mực yêu thương, kỳ vọng lại mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, cha mẹ cần quan tâm đến con và sớm phát hiện các biểu hiện không bình thường của con như hay có những hành vi khác lạ, thường lặp đi lặp lại một động tác, đi rón rén trên các đầu ngón chân, khó khăn trong việc giao tiếp…thì cần cho trẻ đi khám bác sĩ để các cháu có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời.”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh