THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:30

Can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có khả năng hòa nhập bình thường

 

Tự kỷ là một tình trạng khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ, tiến triển trong ba năm đầu đời, xảy ra với bất kỳ một đứa trẻ nào, không lệ thuộc vào dân tộc, xã hội, trình độ phát triển của cha mẹ trẻ. Chứng tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ, có thể gây tổn thương cho chính đứa trẻ vì các hành động tự hại và quậy phá. Hiện nay, bệnh tự kỷ không còn lạ với nhiều người và y khoa. Một tín hiệu khả quan là do nhận thức của cha mẹ và cộng đồng ở một số thành phố lớn về rối loạn tự kỷ tăng lên nên có nhiều trẻ nhỏ đã được đưa đi khám để can thiệp sớm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán phổ tự kỷ từ nhẹ đến nặng thực sự không dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian quan sát và đánh giá. Để biết trẻ đã sẵn sàng hòa nhập được hay chưa thì cần phải trải qua cách đánh giá trẻ trên nhiều lĩnh vực.

 

 

Đơn vị tâm lý lâm sàng thuộc khoa Phục hồi chức năng với hệ thống nhân sự gồm bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần, tâm lý gia có nhiệm vụ khám, đưa hướng điều trị, thực hiện test, tư vấn tâm lý, can thiệp. Chuyên viên giáo dục đặc biệt lên chương trình và trực tiếp can thiệp trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật. Chuyên viên âm ngữ trị liệu hỗ trợ trong việc can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, người có những vấn đề về ngôn ngữ. Chuyên viên xã hội hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xã hội, tìm nguồn tài nguyên, tham gia vãng gia, hỗ trợ tại nhà cho bệnh nhân và thân nhân. Toàn bộ nhân viên y tế thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được trang bị kiến thức chẩn đoán sàng lọc để phát hiện sớm RNTT, có kiến thức cơ bản về chăm sóc bệnh nhân RNTT và bệnh tâm thần ở tuyến cộng đồng.

Từ việc ứng dụng các kỹ thuật liệu pháp tâm lý hiện đại trong điều trị bệnh tâm thần; các kỹ thuật Test, các thang đo tâm lý trong đánh giá, khảo sát các rối loạn tâm thần để hổ trợ thêm trong chẩn đoán bệnh; nghiên cứu và ứng dụng các liệu pháp tâm lý mới, các vấn đề về tâm lý lâm sàng, Đơn vị tiếp nhận và đánh giá tuổi phát triển, khả năng và vấn đề của trẻ; xây dựng chương trình can thiệp, điều trị; thực hiện can thiệp, điều trị và chăm sóc; tư vấn , tham vấn về sự phát triển, cách can thiệp và chăm sóc  trẻ tại nhà; kết nối, cung cấp các dịch vụ phù hợp.

 

 

Điều trị chứng tự kỷ cần lòng yêu thương và sự kiên nhẫn. Nhưng thuốc không thể giải quyết hoàn toàn các vấn đề tâm lý. Vì vậy nhu cầu sự phát triển các khoa tâm lý lâm sàng tại các bệnh viện là thật sự cần thiết. Trong đó, đồ chơi sẽ là kênh giao tiếp quan trọng của trẻ tự kỷ với thế giới bên ngoài. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc chơi, vì trẻ có khiếm khuyết trong giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi rập khuôn. Chơi là một phương tiện trung gian nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề, sắp xếp thứ tự và bắt chước. Chơi cũng hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, kỹ năng vận động, tương tác xã hội và hiểu biết và giao tiếp với người khác. Trẻ tự kỷ thường có các rối loạn các quá trình cảm giác, chơi và đồ chơi có thể giúp cho trẻ điều hòa các giác quan. Khi quan sát trẻ chơi, nhân viên chăm sóc tại Đơn vị tâm lý lâm sàng sẽ hiểu được bé muốn gì, có khả năng gì để từ đó có hướng điều trị và giáo dục phù hợp.

Ông Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn kinh tế phát triển, các rối loạn tâm thần liên quan vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, trẻ tự kỷ nếu được phát hiện, can thiệp sớm có khả năng hòa nhập, học tập như những đứa trẻ bình thường. Do đó, các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ, cùng phối hợp với các cán bộ chuyên ngành sẽ giúp trẻ có cuộc sống không lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh