CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:49

Cha con “thần y” chữa xương khớp luôn đặt chữ “tâm” lên đầu

 

Do nhu cầu lớn, nên trong nhà luôn chất đầy thuốc để đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Tiếng tài đồn xa

Ở Hà Tĩnh, mỗi khi có người bị ngã gãy chân, tay, trật lưng, sái khớp... nhiều người đều tìm đến ông Nga Lộc - một cách gọi gần gũi về lương y Nguyễn Sỹ Nghị sinh sống, làm nghề ở xã Nga Lộc (nay đã đổi thành xã Thường Nga, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để cắt thuốc, chữa trị. Lần theo địa chỉ mà những người dân đã đến bốc thuốc giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà vị lương y nức tiếng đã 70 tuổi này. 

Do mắc phải căn bệnh tai biến, sức khỏe của ông Nghị đã kém đi nhiều so với cái tuổi 70 của mình. Ông chia sẻ, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nghề thuốc nam của cha mình. Khoảng năm học lớp 6, khi đang tuổi rong chơi thích thả diều, tắm sông theo đám bạn thì cha quyết định truyền nghề cho mình. Lúc ấy còn ham chơi, dù chẳng thích thú gì với việc suốt ngày bị “nhốt” trong nhà đọc sách, hái thuốc cùng cha, nhưng vì không dám trái lời nên đành phải theo rồi yêu nghề lúc nào không hay biết.

Học xong cấp 3, chàng thanh niên Nguyễn Sỹ Nghị tham gia học lớp y tá của Đông y trẻ tuổi ở Hà Tĩnh. Năm 20 tuổi thì được cấp giấy chứng nhận là Hội viên Hội Đông y và được cấp giấy phép hành nghề. Trải qua 50 năm làm nghề, ông Nghị đã bốc thuốc, chữa trị cho không biết bao nhiêu người.

Thế mạnh của ông Nghị là chữa bệnh về xương - khớp như: Gãy xương, bong gân, sái tay chân, trật lưng, vôi hóa đốt sống... bằng lá cây và một số loại rễ cây (Tử thảo, Thiên niên kiện, Ngưu tất, Trinh nữ thảo...). Bài thuốc của ông Nghị hiệu quả, được người dân khắp gần xa tin dùng, truyền tai nhau khiến khách ngày càng đông. Nhiều khách ở các tỉnh xa như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...cũng tìm đến đây cắt thuốc. Trẻ con bị sái xương chỉ cần 3 - 4 gói, người lớn chỉ 10 thang là khỏi. Nếu đau cột sống hoặc thoái hóa phải dùng từ 30 - 40 thang, uống từ 2 - 3 tháng là lành.

Người bệnh tìm đến chữa trị, bốc thuốc tại nhà cha con lương y Nguyễn Sỹ Nghị. Ảnh: TRẦN TUẤN

Thuốc rẻ và chữ “tâm” làm đầu

Là bài thuốc gia truyền, từ năm 2000, ông Nghị đã truyền nghề lại cho con trai mình là Nguyễn Sỹ Luận. Dù đã theo nghề gần vài chục năm, nhưng gặp những  ca khó, phức tạp, ông Nghị vẫn tư vấn cho con. Những lúc con đi vắng, khách tìm đến, ông vẫn trực tiếp nắn xương, bốc thuốc cho người bệnh. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, cha con ông Nghị chữa bệnh, bốc thuốc cho hàng chục khách, thậm chí có ngày cao điểm, vượt trên trăm người.

Thông thường, cứ khoảng 5h sáng là khách đã đến chờ ở sân, đến tối vẫn còn người chưa đến lượt. Ông Nghị chia sẻ, tính đến nay, nghề thuốc gia truyền của ông đã có 6 đời. Mỗi đời chỉ truyền lại duy nhất cho một người. Với những cống hiến của mình, ông Nghị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bộ Y tế tặng thưởng Huy chương vì Sức khỏe Nhân dân, BCH Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú...

Dù bài thuốc hiệu quả, nhưng hiện mỗi thang thuốc của cha con ông Nghị có giá chỉ 5.000 đồng. Nhiều người vẫn gọi là “thuốc rẻ hơn rau”. Chia sẻ về việc sao thuốc có giá thấp như thế, ông Nghị nói: “Thuốc từ cây cỏ tự nhiên, mình biết thì trở thành bài thuốc nên cũng chẳng tham lam gì. Lấy giá rẻ giúp dân, làm phúc cho đời”. Khi truyền nghề cho con trai, ông Nghị cũng đã răn dạy làm nghề vì chữ tâm, tuyệt đối không được tham lam xem hành nghề kiếm tiền, làm giàu. Hiện nay, bài thuốc của cha con ông Nghị gần như đến với người bệnh khắp cả nước. Nhiều người ở xa không trực tiếp đến bốc thuốc được, chỉ cần gọi điện thoại miêu tả tình trạng, sau đó thuốc sẽ được bốc rồi gửi theo bưu điện đến tận nơi cho người bệnh.

Là người nối nghiệp cha, anh Nguyễn Sỹ Luận chia sẻ: “Do khách đông, cả người trực tiếp đến lấy và người ở xa gọi điện nhờ gửi nên dù đã có 5 người làm công mà chúng tôi vẫn xoay xở không kịp”. Hỏi có phải ca nào tìm đến cũng được chữa trị thành công hay không, anh Luận thành thật: “Những trường hợp nặng, nguy kịch, chúng tôi bảo chuyển lên viện ngay để kiểm tra xử lý chứ không giữ lại. Vì ở bệnh viện có công nghệ hiện đại, độ chính xác cao, yên tâm hơn. Sau khi được xử lý rồi, nhiều người về đây bốc thuốc để dùng. Còn với những ca không quá nặng thì chúng tôi bốc thuốc chữa lành. Mình phải thành thật, chữa được thì giữ, không thì thôi. Nghề gia truyền của gia đình tôi đã quán triệt đặt chữ tâm làm đầu, bốc thuốc cứu người, không vì mục đích kinh doanh, làm giàu”.

Bà Lê Thị Hường (64 tuổi, trú TP. Hà Tĩnh) kể: “Cách đây vài tháng, tui bị tai nạn xe máy gãy tay, rạn xương sống, sau khi vào viện băng bó được một tuần rồi ra viện. Về nhà vẫn còn đau nên tôi nhờ con đi cắt thuốc ông Nga Lộc (ông Nghị - PV) về uống mấy thang là đỡ dần rồi lành luôn”.  Còn ông Đinh Văn Nam - PCT UBND xã Thường Nga - cho biết: “Do lấy giá rẻ mà hiệu nghiệm cao, nên khách đến bốc thuốc tại nhà cha con ông Nghị rất đông, có ngày hơn cả trăm người. Mà không chỉ khách trong tỉnh, ở các tỉnh khác cũng tìm về đây”.  

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh