CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

“Thần y” nơi xóm núi của người Dao Sơn Đầu

Bà lang Lý Thị Chiến.

Thoát chết vì thuốc diệt cỏ, khỏi luôn viêm gan B
Bên cạnh người vợ trẻ và đứa con trai đang vô tư nô giỡn, anh Bùi Văn Đức (sinh năm 1985, xóm Dù, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) ngập ngừng kể lại câu chuyện cũ. Chiều 26/7, cách đây 3 năm, trong lúc ngồi trông con trai mới 18 tháng tuổi đợi cơm vợ nấu, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà anh đưa chai thuốc trừ cỏ lên miệng tu ừng ực. “Thấy Đức trợn mắt nằm thẳng cẳng, người nhà bèn hô hoán xóm giềng cùng đưa ra bệnh viện huyện. Được mấy ngày, bệnh tình của Đức vẫn quá nghiêm trọng, lại tất tả chuyển lên Hòa Bình chữa trị. Đến khi thấy người Đức cứ mềm oặt đi, hơi thở khò khè thoi thóp, chúng tôi bèn khóc lóc đưa nó về xóm Dù lo chuyện hậu sự” - bà Bùi Thị Thệm, mẹ của Đức, kể lại.
Đúng lúc tuyệt vọng nhất, có người mách: “Trước đây có nhiều người uống thuốc diệt cỏ, được thầy lang Chiến người Dao Sơn Đầu ở xã Bình Sơn cứu sống. Còn nước còn tát, sao không thử sang đó mời?”.
Đến xã Bình Sơn (huyện Kim Bôi), không khó để hỏi thăm thầy lang Chiến, vì cả xã chỉ có một bản người Dao là bản Hang Lờm. Nhưng vì hỏi thăm “ông lang”, nên loay hoay mãi người nhà Đức mới tìm gặp được. Bà lang Chiến tên thật là Lý Thị Chiến, người bản Hang Lờm lại vẫn quen gọi là bà Tình (theo tên người con trai cả), nên nhiều người ở xa dẫu biết danh tiếng, vẫn nhầm bà là… đàn ông.
Bà lang Chiến lật đật đến xóm Dù, đem theo mấy thang thảo dược và một nắm lá tươi. Hướng dẫn cho người nhà đun nấu các gói thuốc để lau rửa cho Đức, còn tự tay bà xử lý nắm lá rừng thành một bát nước nhỏ. Lúc này cổ họng Đức đã bị phồng rộp, nghẹn sít lại, rất khó khăn mới đổ được từng thìa thuốc vào.
Bà Bùi Thị Thệm nói thêm: “Sau mấy ngày liên tục được uống thuốc và tắm gội giải độc, Đức tỉnh táo, có thể uống sữa và ăn cháo. Nửa tháng sau, Đức trở lại công việc thường ngày là phụ hồ cho tốp thợ xây của xóm Dù. Nhưng phải cả năm sau tôi mới hết lo sợ cho tính mạng con trai mình”.
“Theo lời dặn của bà lang Chiến, sau ba tháng, vợ chồng tôi lên bệnh viện tỉnh xét nghiệm lại. Thú thực, tôi rất sợ, chần chừ mãi không dám vào phòng lấy kết quả. Tôi nghĩ, có là thuốc tiên thì giữ lại mạng sống cho tôi đã may lắm rồi, chứ chẳng thể giải hết chất độc của thuốc cỏ trong người được. Ai dè bác sĩ bảo, không những cơ thể tôi đã được giải độc sạch sẽ, mà bệnh viêm gan B cũng khỏi luôn” - anh Bùi Văn Đức hớn hở tâm sự.
Chị Bùi Thị Lý, vợ anh Đức vui vẻ nói thêm: “Lúc anh ấy trong phòng bác sĩ ra, bảo về thôi, khỏi rồi, tôi không tin. Nghĩ anh ấy nói dối, giấu bệnh, tôi lén trở vào. Hỏi đi hỏi lại, bác sĩ vẫn khẳng định kết quả đúng như thế. Đợt trước, anh Đức bị lỡ chuyến đi lao động xuất khẩu sang Malaisia vì mắc bệnh viêm gan B, giờ thì mừng quá rồi”.
Trắng trẻo hơn hẳn nhờ giải độc thuốc trừ cỏ
Ở xóm Trò (xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi), cách đây hơn một năm, cũng xảy ra trường hợp tương tự. Cô gái Mường tên là Bùi Thị Gái (sinh năm 1992, còn gọi là Út Duy) chẳng hiểu giận chồng thế nào, mà dốc ngược cả chai thuốc diệt cỏ vào miệng để quyên sinh. Khi cả nhà bà Bùi Thị Hoa (55 tuổi) đang khóc mếu ở bệnh viện huyện Kim Bôi chờ tin từ phòng cấp cứu, lại may mắn có người mách đến xã Bình Sơn gặp bà lang Chiến.
Nhà Út Duy cách nhà Bùi Văn Đức không xa, nên mọi người tìm đến nhà để hỏi thăm “kinh nghiệm” trước khi tìm đến bản Hang Lờm. Nhận được tin báo trước, bà lang Chiến vội vã chuẩn bị sẵn một chai nước lá tươi và mấy gói thảo dược khô, dặn dò vài câu rồi giục người nhà đem gấp về cấp cứu bệnh nhân.
Lúc này, ở nhà Út Duy đã dựng rạp để chuẩn bị ma chay cho cô gái trẻ, vì miệng lưỡi cô đã cháy sém, thỉnh thoảng lại hộc ra từng ngụm máu thâm đen như tiết luộc. Sau mấy ngày uống thuốc và tắm gội, Út Duy khỏe mạnh trở lại. Kiên trì dùng thêm suốt mấy tháng nữa, Út Duy trở lại bệnh viện xét nghiệm. Bác sĩ cho biết, cơ thể cô đã được thải độc hoàn toàn, men gan, huyết áp bình thường, không có gì đáng lo ngại cả.
“Bây giờ trở lại với công việc ruộng nương nên da dẻ em lại bắt nắng mà sạm đi đấy. Chứ lúc em dùng thuốc khỏi bệnh, các bà các mẹ bảo người em mịn màng trắng trẻo hẳn ra, cứ như con gái thành phố. Chắc tại thuốc giúp cho máu lưu thông, ăn được ngủ được, thải độc cơ thể sạch sẽ nên mới tốt thế” - cô sơn nữ cười vui vẻ tiết lộ.
Bà Bùi Thị Hoa, mẹ chồng của Út Duy cũng vui vẻ xác nhận: “Sau hơn nửa tháng, em nó đã lại lên nương được rồi. Nhưng chúng tôi vẫn bắt em nó cắt thêm thuốc của bà lang Chiến về uống, vì lo sợ sau này các chất độc còn sót lại trong cơ thể sẽ ảnh hưởng. Phải đến khi có xác nhận của bác sĩ, chúng tôi mới yên tâm được đấy”.
Sau khi được cải tử hoàn sinh từ vụ uống thuốc diệt cỏ, Út Duy rất nhiệt tình giúp đỡ, thậm chí là đưa đường cho nhiều người tới tận bản Hang Lờm để có thể bốc thuốc. Nhiều người từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định… cũng tìm đến xóm Trò hỏi thăm đường, vì họ muốn có thêm niềm tin vào thầy thuốc, khi tận mắt nhìn thấy cô gái được cứu sống sau khi đã dốc cả chai thuốc trừ cỏ vào miệng.
5 ngày dùng thảo dược, u vú to như quả trứng còn bằng hạt ngô
Lúc dừng xe hỏi thăm đường vào bản Hang Lờm, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Quy (đội 6 xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi). Nhà bà Quy có con gái học cùng với con gái bà lang Chiến, nên thỉnh thoảng hai nhà cũng qua lại thăm hỏi nhau.
Nhiều người thân của bà Quy đã dùng thuốc chữa xơ gan, viêm họng hạt, viêm thanh quản, xương khớp… của bà lang Chiến đều thấy hiệu nghiệm. Bản thân bà Quy thì phục sát đất tài năng và các thang thuốc diệu kỳ của bà lang Chiến, đã chấm dứt cho bà nỗi lo về bệnh ung thư vú.
Bà Nguyễn Thị Quy 
Cách đây hơn hai tháng, bà Nguyễn Thị Quy bỗng giật mình thấy ngực đau nhức, một khối u to như nắm tay nổi lên phía bên trái. Sang hỏi người quen đang làm trạm trưởng trạm y tế xã Vĩnh Tiến, ông này lắc đầu, khuyên: “Chị nên đi ngay bệnh viện tỉnh xem sao, chứ xem qua tôi cũng biết, chắc chắn là ung thư vú rồi”.
Nghĩ mình đang có sổ bảo hiểm y tế, bà Quy gọi chồng là ông Trần Luật đưa đến bệnh viện Kim Bôi để khám bệnh. Bác sĩ xác định bà bị u xơ tuyến vú, khối u có kích thước 40 x 60 mm. Người nhà bà Quy tá hỏa, bàn nhau, sáng mai phải đi luôn viện K (Hà Nội) thì mới kịp.
Trong thời gian nấn ná để chờ người nhà và thu xếp xe cộ, bà Quy bỗng nhớ đến bà lang Chiến người Dao Sơn Đầu. Hôm trước, thấy bà Chiến ngang qua xin chén nước, bảo đang đi thăm bệnh nhân bị ung thư vú mới bốc thuốc, xem đã đỡ chưa. Ngay lập tức bà Quy liên lạc vào bản Hang Lờm.
Bà lang Chiến cho bà Quy một nắm lá rừng, rễ, củ tươi và ít gói thảo dược, bảo: “Củ và lá tươi thì giã nhuyễn, đắp lên khối u. Khi thuốc đắp đã khô, thì lại lấy rang lên mà chườm. Gói lá khô thì hãm bằng nước sôi, uống như trà vậy”.
Hai vợ chồng bà Quy ông Luật hì hục cả đêm giã đắp rang chườm, hôm sau mở ra, thấy khối u vẫn nằm trơ trơ như cũ, trông như quả trứng vịt lớn. Con cái bà Quy phát cáu, lại giục mẹ đi Hà Nội. Nhưng sang ngày thứ hai thì khối u nhỏ lại, chỉ còn chừng một nửa. Đến ngày thứ ba, còn bằng ngón tay cái. Đến ngày thứ năm, chỉ còn bằng hạt ngô. Bà Quy mừng rỡ: “Gặp đúng thầy đúng thuốc rồi đây”. Tiếp tục dùng thêm hai ngày nữa, khối u hoàn toàn biến mất.
“Bà lang Chiến dặn tôi cứ uống thuốc đủ ba tháng, thì mới hết liệu trình. Ba năm trước, cậu em tôi bị xơ gan cổ trướng, lấy thuốc của bà lang Chiến, một tuần sau tiêu được 4 lít dịch. Thấy khỏi thì bỏ thuốc, nay thì bị lại, đang phải vào Hang Lờm xin thuốc. Nên tôi cứ tiếp tục dùng thuốc thêm một thời gian nữa, rồi sẽ đến bệnh viện kiểm tra lại, xem nó đã tiệt nọc hẳn chưa? Nếu khỏi hẳn, tôi xin bái phục bà lang Chiến là Thần y!” - bà Nguyễn Thị Quy cười lớn (ảnh).
Những bài thuốc gia truyền kỳ diệu của bà lang Dao Sơn Đầu
Tại bản nhỏ Hang Lờm, bà lang Chiến, người phụ nữ người Dao Sơn Đầu có gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa, vui vẻ cho biết: “Dòng họ Lý chúng tôi có nghề y dược gia truyền từ hàng trăm năm rồi. Tôi được đích thân ông nội là cụ Lý Văn Hò truyền dạy, từ lúc còn bé lắm, chưa đến 10 tuổi. Ông nội tôi lúc ấy đã 81 tuổi, nổi danh khắp vùng là một thầy lang giỏi, nhân đức. Một hôm, ông cầm tay tôi, rồi bảo: “Con bé này tay mát đấy, có thể nối nghiệp làm thuốc được”. Hàng ngày, ông dẫn tôi vào rừng, chỉ cho các loại cây cỏ để ghi nhớ tên, rồi mấy ngày sau bất chợt sai tôi đi lấy một trong số những cây đó. Thấy tôi nhận diện dễ dàng, ông tiếp tục dạy đến các công dụng của chúng và cách pha chế để sử dụng.
Một hôm, có người đến xin thuốc an thai, vì người vợ lần nào có thai cũng không giữ được. Ông sai tôi đi cắt thuốc. Nhớ lại những lời dạy, tôi vào rừng hái một ôm cây cỏ đem về chặt thái, rồi đưa cho người đó. Ông tôi chỉ quan sát mà không nói gì. Một thời gian sau, vợ người đó sinh được một người con gái, hiện vẫn đang sinh sống trong xã, chỉ kém tôi 9 tuổi”.
Sau ca bốc thuốc thành công đó, ông Lý Văn Hò càng dạy cho cháu nhiều và nghiêm khắc hơn. Các bài thuốc gia truyền về xương khớp, nội tạng, thần kinh, hô hấp…, được ông lần lượt truyền dạy hết cho cháu trong suốt 9 năm cuối đời. Mỗi khi đi thăm khám bệnh trong vùng, ông đều dẫn cháu gái theo, nhiệt tình hướng dẫn và giám sát thực hành. Tuy còn rất trẻ, nhưng Lý Thị Chiến đã có rất nhiều “con”, “cháu” nhờ những ca bốc thuốc thành công chữa bệnh vô sinh, hiếm muộn.
Lúc sắp mất, ông Lý Văn Hò quyết định dạy thêm cho cháu gái bài thuốc bí truyền của dòng họ, chuyên giải độc cho những người trúng chất kịch độc. Bài thuốc được đúc kết và phát triển từ tinh hoa của bài thải độc cơ thể, trừ bảy loại độc trong người, vốn dùng cho những người khỏe mạnh nhưng có điều kiện muốn chăm sóc tốt nhất cho mình. Xưa nay, chỉ những gia đình quan lang hoặc gia tộc lớn mới được biết và có điều kiện để dùng.
“Tôi dùng bài thuốc giải độc này để cứu chữa cho những người trót uống phải thuốc sâu, thuốc trừ cỏ. Từ bài thải độc cơ thể, cần bổ sung thêm một ít loại lá rừng tươi. Những loại lá cây này không quá hiếm, nhưng cách chế biến nó cần hết sức cẩn trọng. Phải chính tay người thầy thuốc tự pha chế, dùng lưỡi để nếm mà biết thuốc đúng vị hay chưa, đậm hay nhạt hơn đều không có tác dụng. Đó là bí quyết gia truyền đã mấy trăm năm nay dòng họ tôi lưu giữ. Lúc sắp mất, ông còn sai tôi đi lấy đủ nắm lá đó, về nhà ghép chế cẩn thận trước mặt để ông nếm thử, sau đó mới gật đầu, thanh thản mà ra đi” - bà lang Chiến nhớ lại.
Theo bà lang Chiến, gần đây, có quá nhiều ca bị ngộ độc thuốc trừ cỏ phải tìm đến bản Hang Lờm, cá biệt có ngày đến 4 ca. “Vậy nên cứ đi đâu khỏi bản là tôi phải chuẩn bị sẵn ở nhà một vài bài thuốc giải độc trừ cỏ, đề phòng có khách đến cần cấp cứu. Tôi phải thường xuyên thử thuốc trước khi trao cho bệnh nhân, nên mặt bây giờ mới phúng phính ra vậy đấy” - bà lang Chiến cười hiền.

Nhiều thầy lang trong vùng và các tỉnh xa cũng tìm đến bà lang Chiến. Thường là một vài người hoặc cả nhóm người, đều đã và đang hành nghề y dược. Có hôm, gần 30 thầy lang cùng đến gặp bà lang Chiến xin học các bài thuốc gia truyền của người Dao Sơn Đầu, để cứu chữa được nhiều và khẩn cấp hơn cho các bệnh nhân.

“Dù rất cảm động nhưng tôi cũng chỉ có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức chứ không tùy tiện truyền nghề được. Bởi nghề y dược của người Dao Sơn Đầu có những quy định rất nghiêm ngặt về việc truyền nghề. Đến như ông nội tôi có rất nhiều con cháu, nhưng mãi đến năm 81 tuổi mới chọn được một đứa cháu nhỏ. Hơn nữa, nhiều bài thuốc gia truyền của tôi như chữa trúng độc, trị lao phổi, viêm phổi…, có nhiều vị “lấy độc trị độc”, đòi hỏi kiến thức khá cao về y dược mới có thể vận dụng được hiệu quả”.

 Với nạn nhân của những căn bệnh quái ác hành hạ lâu dài và cả trăm người được cứu sống sau khi dại dột uống thuốc trừ cỏ, họ không ngần ngại bày tỏ tình cảm gọi bà lang Chiến là “Thần y”. Nhưng bà lang Chiến chỉ cười hiền: “Tôi là một thầy lang ở bản nhỏ đang lưu giữ những bài thuốc nam gia truyền của người Dao Sơn Đầu mà thôi”.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh