THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:14

"Cây sáo thần": Mang âm nhạc Mozart đến với người Việt

Nhà hát TP.HCM, hai đêm diễn chật kín khán giả và có khoảng một nửa là người nước ngoài. Những tràng pháo tay nồng nhiệt không muốn dừng. Phần thưởng này thật vô giá đối với của đội ngũ diễn viên và ê kíp Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM sau nhiều tháng công phu tập luyện.

“Cây sáo thần” là vở nhạc kịch opera có tính chất thần thoại, mang chút hơi hướng cổ tích, tình tiết câu chuyện nhiều tính kịch, được phát triển từ một vở hài kịch cổ của Đức về chủ đề muôn thở: Tình yêu. Thiên tài âm nhạc người Áo Mozart (thế kỷ 18) đã phát triển câu chuyện từ truyền thuyết và dùng âm nhạc để đưa thông điệp đến với xã hội hiện đại rằng thế giới luôn cần tình yêu, sự bao dung và lòng quả cảm để đấu tranh với những định kiến của xã hội. Năm 1791, Mozart đã hoàn tất vở nhạc kịch này. Đây là tác phẩm được Mozart trực tiếp chỉ huy và cũng là vở opera cuối cùng của ông.

“Cây sáo thần” là đỉnh cao của nghệ thuật hát và diễn, một loại hình opera đậm chất Đức. Trong vở này, Mozart đã pha trộn một cách hoàn hảo sự khúc triết của triết học, chất lãng mạn luôn có sẵn trong các tác phẩm của ông. Trong “Cây sáo thần”, ta cảm được thật rõ sắc màu nổi bật trong tác phẩm của Mozat, đó là chất trữ tình nhưng không ảm đạm, u tối, đau buồn; có cả những tâm trạng bối rối, những màn kịch tính tưởng như khó tháo gỡ nhưng lại được giải thoát một cách nhẹ nhàng, toát lên phong thái lạc quan, yêu đời, khát khao hướng tới cái đẹp, cái tình sâu nặng… Có lẽ vì thế, vở nhạc kịch opera “Cây sáo thần” đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả và trở thành một trong những vở opera hay nhất thế giới của mọi thời đại.

“Cây sáo thần” khi trình diễn ở TP.HCM đã được lồng ghép tiếng Việt vào một số trích đoạn với những lời thoại hài hước, dí dỏm. Và để hoàn thành vở nhạc kịch này, toàn bộ diễn viên và ê-kip Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố đã phải nỗ lực hết sức mình cho việc luyện, đầu tư trang phục, âm thanh, ánh sáng, vượt qua rào cản ngôn ngữ … để giúp mang tác phẩm nghệ thuật hàn lâm này trở nên nhẹ nhàng, gần gũi hơn với người Việt Nam.

Kết hợp với Viện Goethe (tổ chức văn hóa của Cộng hòa liên bang Đức), với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ và tài năng như: Tamino Phạm Trang, Papageno Đào Mác, Pamina Duyên Huyền, Papagena NSƯT Hồng Vi, Nữ hoàng đêm Phạm Khánh Ngọc, nhạc trưởng tài ba Nhật Minh… “Cây sáo thần” có thể coi là công trình nghệ thuật công phu và đầy ấn tượng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM.

Đinh Hoa/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh