Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình": Hào hùng, xúc động và sâu lắng!
- Tây Y
- 09:52 - 28/07/2022
Cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình dài 120 phút được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 27/7 trên kênh VTV1. Đây là chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và được tổ chức tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.
Cầu truyền hình tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Điểm cầu Hà Nội của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" được thực hiện tại tượng đài Bắc Sơn - nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã dũng cảm, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Cùng với những câu chuyện sâu lắng, âm nhạc sẽ là sợi dây xuyên suốt được ê kíp sử dụng để kết nối và truyền tải nội dung.
Những màn biên đạo múa uyển chuyển cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hứa hẹn những tiết mục hào hùng, xúc động.
Bên cạnh Hà Nội, cầu truyền hình còn mang tới những hình ảnh và giây phút linh thiêng, lắng đọng từ các điểm cầu: TPHCM, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.
Tham dự chương trình tại điểm cầu tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn tại Thủ đô Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại điểm cầu đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TPHCM) - nơi ghi dấu 45.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm và nhiều lãnh đạo khác của các cơ quan Trung ương và TP Hồ Chí Minh
Điểm cầu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường.
Tại điểm cầu đền thờ tưởng niệm xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Tại điểm cầu nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi cuối cùng vang tiếng súng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, nơi trận địa khốc liệt 10 năm, 4.000 liệt sĩ đã nằm xuống có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh.
Tại điểm cầu An Giang - nơi được xem là "căn cứ nhân tâm giữa lòng địch" trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang.
Những dấu chân hòa bình
Chương 1 có chủ đề "Những dấu chân hòa bình" được mở đầu bằng một liên khúc (ca khúc "Lá xanh", "Gửi anh đi đầu quân") tại đầu cầu Hà Nội với 50 diễn viên trẻ tái hiện lại hình ảnh về cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972, hình ảnh ga Hàng Cỏ với những cánh thư bay gửi người ở lại…
Dân tộc ta, từ bao đời nay cứ khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã "sống và hy sinh vì hòa bình".
Có 1 thế hệ - đã lên đường với trái tim nhiệt huyết tuổi 20 cháy bỏng hoài bão "Cho ngày mai, cho đất nước tự do" như lời liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã chia sẻ. Với tinh thần ấy, từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tạm rời xa sách vở, phấn trắng, bảng đen, gác lại hoài bão của tuổi trẻ, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Hơn 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh là những con số đã nói lên sự khốc liệt của chiến trang trên mảnh đất lửa Quảng Nam anh hùng- nơi lập nên nhiều chiến công hiển hách như Chiến thắng Núi Thành - trận đấu đánh Mỹ và thắng Mỹ năm 1965. Những người con xứ Quảng luôn mang trong mình 1 tâm niệm: khát vọng không còn đạn bom trên quê hương, để đất và người Quảng Nam được sống dưới nắng hòa bình. Và tại đầu cầu Quảng Nam, trên nền nhạc của ca khúc "Một thời hoa lửa" là câu chuyện xúc động của bà Trần Thị Dự (74 tuổi), quê Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Đất Quảng Nam đã thấm máu xương và biết bao hi sinh của những con người yêu nước trong hai cuộc kháng chiến. Là một trong những địa danh ác liệt trong mưa bom, bão đạn, những người con trai, con gái đất Quảng không ngại hi sinh vì nền hòa bình Tổ quốc. Và trên sân khấu là các cựu chiến binh xứ Quảng anh hùng - với tinh thần, "tàn mà không phế" - Họ - Những người may mắn trở về từ cuộc chiến lạc quan cất lên những giai điệu thiết tha yêu Tổ quốc, yêu quê hương.
Lần lượt các ca khúc xúc động được vang lên: "Vết chân tròn trên cát" (đầu cầu Quảng Nam); "Tổ quốc gọi tên mình" (đầu cầu Bình Định).
Ngay chương đầu mang tên "Những dấu chân hòa bình", chương trình giới thiệu Bình Định là nơi chứng kiến phút biệt ly lịch sử khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chào từ biệt cha, dấn thân vào hành trình tìm đường cứu nước.
Có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bình Định là điểm tập kết cuối cùng của miền Nam, là vùng trọng điểm trong các chiến lược chiến tranh, là mảnh đất oằn mình hứng chịu mưa bom bão đạn. Người bộ đội Cụ Hồ quê Bình Định mang theo hào khí Quang Trung, tinh thần thượng võ quật cường vào những cuộc chiến, dưới làn tên mũi đạn, khí chất can trường sáng lung linh, góp phần làm nên những chiến thắng, giúp non sông thu về một mối.
Cũng với mục đích tạo điểm nhấn cho từng vùng đất, chương trình đã dùng hình ảnh tàu không số cập bến Lộ Diêu để minh họa cho bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" do ca sĩ tại điểm cầu Bình Định thể hiện. Trong muôn ngàn con sóng nơi Hoàng Sa - Trường Sa, biết bao "cái chết hóa thành bất tử" để giữ gìn tấc đất vùng biển cho quê hương, Tổ quốc. Khúc bi tráng trên đồi Xuân Sơn cũng được thể hiện đậm đặc chất bi hùng. Trong tiềm thức của những người con quê hương Hoài Ân, hình ảnh người chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng chính là biểu tượng của tinh thần anh dũng chiến đấu và hy sinh vì cuộc sống bình yên của quê hương.
Vì độc lập tự do, vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc - Sau nửa thế kỷ chiến tranh qua đi, có những người vẫn còn nằm lại đâu đó trên các ngọn đồi, con suối, hoà vào đất, hoà vào nước, để lại nỗi niềm đau đáu khôn nguôi cho người thân. Có những người được tìm thấy, được về nhà sau 56 năm nằm trong lòng đất lạnh. Tất cả họ, đã viết nên những ký ức bi tráng không thể quên.
Những bài ca không quên
Chương 2 của chương trình mang tên "Bài ca không quên". Những người còn sống luôn mang trong mình những "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình.
Cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao - đi qua những mất mát của chiến tranh - đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác: Có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những ngưởi mải miết đi tìm những đồng đội cũ.. tất cả để tri ân - tưởng nhớ những người đã ngã xuống.
Đầu năm 1979, toàn tuyến biên giới phía Bắc dài hơn 1.400 km từ Quảng Ninh đến Lai Châu đã phải căng mình chống đỡ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
10 năm của cuộc chiến, Hà Giang là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất và cũng là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất. 9 chữ khắc trên báng súng của một liệt sĩ hi sinh tại mặt trận này "Sống bám đá đánh giặc chết hóa đá bất tử" - là phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày giữ đất biên cương.
Hơn 40 năm sau khi cuộc chiến đã lùi xa, mảnh đất Hà Giang những ngày tháng 7 đã đón được các anh trở về. Tháng 7/2022, 10 bộ hài cốt của các liệt sĩ ở Vị Xuyên đã được tìm thấy, trở về trong vòng tay đón đợi, yêu thương.
Tiết mục "Luỹ đá bất tử", lời: Nguyễn Viết Ninh cùng đồng đội, nhạc: Trương Quý Hải đã vang lên như một nén tâm nhang gửi các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Tại đầu cầu TPHCM, khán giả được biết thông tin, tháng 7 này, riêng tại tỉnh Kon Tum, niềm vui còn đến với 32 gia đình khác khi họ đã có thông tin nơi người thân nằm lại qua phương pháp thực chứng do Đội quy tập K53, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum và Sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum tiến hành xác minh.
Câu chuyện về người cha bộ đội (liệt sĩ Đinh Công Thảo) duy nhất bà Đinh Thị Nga (Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa) nhớ được là ngày gia đình nhận giấy báo tử của ông.
Hành trình gia đình cùng đồng đội đi tìm liệt sĩ Đinh Công Thảo được tái hiện. Lần theo các đầu mối, một liệt sĩ Đinh Văn Thảo với thông tin trùng khớp đã được tìm thấy, tại nghĩa trang Ngọc Hồi, Kon Tum.
Những nấm mộ "liệt sĩ chưa xác định được thông tin" và những giọt nước mắt đau đáu của thân nhân liệt sĩ là hình ảnh ám ảnh tại chương trình.
Cũng tại điểm cầu TPHCM, thân nhân một liệt sĩ xúc động chia sẻ về nguyện vọng, quyết tâm tìm kiếm được hài cốt người thân là liệt sĩ Đỗ Văn Bân (quê Thanh Hóa), hi sinh ở phía Nam khi mới 25 tuổi.
Tại chương trình, lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trao cho người cháu liệt sĩ Đỗ Văn Bân một kỷ vật của liệt sĩ, là một chiếc kẹp tóc bằng thép không gỉ, được chôn cất cùng thi hài liệt sĩ.
Người cháu liệt sĩ không kìm nén được xúc động, bật khóc khi nhận lại kỷ vật của người thân.
Tại An Giang, cựu chiến binh Võ Thanh Chiên (thương binh mất 81% sức khỏe) kể lại những ngày ác liệt tại chiến trường Campuchia.
"Chỉ cần một phút yên lặng chúng tôi đã thấu hiểu giá trị của hòa bình", ông Chiên kể.
An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sông Tiền và sông Hậu chảy qua, có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp Campuchia. Trong chiến tranh biên giới, máu của hàng vạn người dân vô tội hai nước Campuchia và Việt Nam đã đổ dọc biên giới vì sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ. Ngày 7/1/1979 đã đi vào lịch sử như mốc son của của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia giải phóng Phnom Penh, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Quên mình vì nền hoà bình nước bạn, rất nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã nằm lại đất bạn - và phải mất nhiều năm các anh mới được đón trở về đất mẹ.
Trở về với cuộc sống thời bình, ông Chiên bắt tay vào làm kinh tế. Ông còn xây dựng một ngôi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ được sống trong hòa bình.
Ông Chiên nguyện, khi đã là người may mắn được quay về sẽ làm mọi việc để cống hiến cho quê hương, chung tay xây dựng đất nước.
Những đóng góp của hàng triệu cựu chiến binh đã mang lại những vùng đất trù phú của đất nước. An Giang nay là vựa lúa, vựa cá, là vùng biên cương vững chắc, hòa bình nơi địa đầu phía tây nam Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng có những nỗi đau vẫn còn âm ỉ - như bài ca mãi không quên của những thế hệ đã sống và đi qua những ngày tháng mịt mù bom đạn. Cả dải đất miền Trung - vùng đất của khói lửa khốc liệt, ôm trong mình bao nỗi đau của những người mẹ tiễn con đi mà chẳng có ngày đón về. Mẹ Thứ hay hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng khác trên suốt chiều dài mảnh đất hình chữ S đã kết thành huyền thoại bất tử mang tên Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chương 2 kết thúc với liên khúc "Huyền thoại mẹ" (sáng tác Trịnh Công Sơn) tại 2 đầu cầu Quảng Nam, Bình Định, với hình ảnh Mẹ Ngô Thị Lang (100 tuổi) ở Cẩm Phổ, Hội An. Mẹ Lang có chồng và con là liệt sĩ, mẹ không còn bất cứ kỉ vật, di ảnh nào của con, đến cả mộ cũng vô danh, hiện nằm ở Núi Thành.
Khát vọng sống mãi trong hòa bình
Người Việt Nam hiểu hơn hết về "cái giá của hòa bình" sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh. Các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn.
Mở đầu chương 3 với chủ đề "Khát vọng hòa bình" là câu chuyện của cựu chiến binh Huỳnh Châu Son - Tri Tôn - An Giang, người dân tộc Khmer với ý nghĩa: Những người bước ra từ cuộc chiến tranh, đều mang trong mình tinh thần cống hiến vì Tổ quốc với lời hứa ngày hòa bình với những đồng đội đã khuất - với tâm thế của người lính Cụ Hồ đưa đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Chiến tranh đã nằm ở quá khứ. Hiện tại và tương lai đang là hình ảnh những người trẻ đương thời dốc sức dốc lòng, cống hiến cho mảnh đất quê hương, bảo vệ và phát triển những giá trị thiêng liêng mà cha anh để lại. Từ vùng đất năm xưa là chiến địa ác liệt, những người trẻ từ mảnh đất Hà Giang đã khơi dậy sức sống của cả một vùng đất - với tinh thần tiếp nối truyền thống sáng tạo, mưu trí của cha anh. Tại đầu cầu Hà Giang là câu chuyện tổng hợp về những người trẻ bằng rất nhiều hành động như: tặng Quốc kỳ, phục chế ảnh, chăm sóc mẹ Việt Nam Anh hùng... để viết tiếp "Bài ca không quên" của thế hệ cha anh.
Với thông điệp "Vươn lên Việt Nam", phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 4 ngày, gặp gỡ các cựu chiến binh nhân 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ đã được phát trang trọng tại chương trình.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trong phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ cùng các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế," cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. "Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".
Kết thúc chương trình, tổ khúc "Cánh chim hoà bình" và "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" vang lên hào hùng và thiết tha.
Những cánh chim trên mảnh đất hoà bình - nơi không còn nước mắt rơi chia lìa để người người sống trong yêu thương - là khát vọng chung không chỉ của Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Những thế hệ sau mãi mãi không quên sự hi sinh của những người đã ngã xuống vì hòa bình trên khắp Việt Nam.
Mỗi thế hệ người Việt lớn lên trong hòa bình từ những chắt chiu, hi sinh của cha anh trong chiến tranh, mang theo những hạt mầm về đoàn kết, gắn bó và sẻ chia - để cùng hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất nước do nhân dân và của nhân dân muôn đời sau.
Tại 6 đầu cầu đồng loạt cất cao thông điệp: Hiểu về cái giá của hòa bình để nhắc chúng ta phải sống tốt hơn, sống trách nhiệm hơn để rạng danh đất nước - để chung tay vì cơ đồ - vị thế của Việt Nam. Và những cánh chim bồ câu được gửi thay lời ước nguyện "khát vọng sống mãi trong hòa bình" của những người con đất Việt - tận tâm, tận lực làm nên Đất nước muôn đời!