Giữa ma trận tiêu cực, cái đẹp vẫn tỏa sáng tạo hấp dẫn cho thể thao
- Văn hóa - Giải trí
- 13:34 - 28/02/2015
Nhưng ở đời nói là một chuyện, mong muốn là một chuyện, còn thực hiện lại là chuyện khác. Nó ngổn ngang, khúc khuỷu, phức hợp, trập trùng gian nan. Bất cứ vận động viên nào, bất cứ câu lạc bộ nào, bất cứ quốc gia nào khi xuất trận đều mong thắng lợi, muốn mình là nhất. Chỉ có những vận động viên hạng dưới, những quốc gia có nền thể thao chậm phát triển mới phát ngôn: Tham gia để hội nhập, để học hỏi!
Thể thao luôn đồng hành với đời sống xã hội, cũng là một tấm gương phản chiếu xã hội, thậm chí thể thao làm chiếc cầu cho chính trị giao lưu. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, bệnh thành tích trong thể thao không chỉ có ở Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng vậy.
Đội tuyển U19 quốc gia trước giờ xung trận.
Như ở Thế vận hội, quốc gia nào, khu vực nào muốn đưa một môn vào thi đấu đâu phải dễ, hay việc các ban tổ chức, trọng tài thường ưu ái, dễ dãi với các vận động viên chủ nhà. Không nói đâu xa, Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á cứ nước nào tổ chức là có ngay môn “thể thao” đặc sản của nước đó được đưa vào tranh tài để thu lượm huy chương. Có như thế thành tích của đoàn nước chủ nhà mới cao. Chiều nước chủ nhà nên một số nước cũng cử vận động viên đi học và hết đại hội số vận động viên này lại phải chuyển nghề.
Chạy theo thành tích nên muôn trò xấu, trò khả ố diễn ra trên các đấu trường thể thao từ Bắc vào Nam; từ Âu sang Mỹ. Nước Mỹ, thể thao phát triển là thế nhưng vẫn đầy rẫy vận đông viên sử dụng doping; có vận động viên phải ra tòa, nhiều vận động viên bị tước huy chương Olympic. Điển hình như Lance Amstrong bị Liên đoàn Xe đạp thế giới tước 7 danh hiệu vô địch Tour de Frang và bị cấm thi đấu suốt đời.Đây thực sự là vết nhơ của thể thao thế giới, làm hoen ố Tour de Frang danh tiếng. Từ huyền thoại xe đạp Amstrong trở thành “huyền thoại” dối lừa tinh vi nhất mọi thời đại.
Cuối năm qua bên trời Âu chấn động chuyện vận động viên Lilya Shobukhova, người 3 lần liên tiếp về nhất giải Maratong Chicago (Mỹ), vô địch giải London 2010, hối lộ Liên đoàn điền kinh Nga hơn 560.000 đô la để che đậy xét nghiệm doping. Rồi chuyện của “cậu bé vàng” Maradona, danh tiếng lừng lẫy là thế, nhưng bên ánh hào quang người đời không bao giờ quên bàn thắng ghi bằng “bàn tay của chúa” ở Vòng chung kết bóng đá thế giới1986. Còn tại Vòng chung kết bóng đá thế giới 1994, cầu thủ được vinh danh là một trong hai cầu thủ hay nhất thế kỷ 20 (cùng với Pê lê) lại bị đuổi ra khỏi cuộc chơi vì dính chất cấm. Hai quốc gia nọ chỉ vì các cổ động viên bóng đá hiềm khích với nhau mà huy động xe tăng, súng pháo ầm ầm suýt nữa xảy ra chiến tranh.
Đại diện U19 nhận giải Fair Play
Chuyện vận động viên gian lận tuổi, các cầu thủ rượt đuổi đánh trọng tài thì đấu trường nào, sân cỏ châu lục nào cũng có.Thể thao Việt những vụ lùm xùm như trên xảy ra ở mọi lúc mọi nơi. Gian lận tuổi ư? Tràn lan. Cách đây khoảng chục năm Ủy ban Thể dục thể thao phải ra văn bản xí xóa không truy cứu việc gian lận tuổi, cho phép các địa phương, các đơn vị thể thao khai lại cho đúng tuổi vận động viên.
Từ văn bản trên nhiều vận động viên được trả lại tuổi, thậm chí có người còn được trả lại tên.Căn bệnh thành tích lắm khi làm loạn đấu trường. Trên sân cỏ nhiều cầu thủ bỏ bóng đá người, chơi thô bạo chặt chém hại nhau. Đến nỗi có cầu thủ cay đắng thốt lên: “Cầu thủ kiếm ăn bằng đôi chân, tại sao lại triệt hạ phương tiện kiếm sống của đồng nghiệp như thế?”.
Tại Đại hội thể thao toàn quốc vừa qua không chỉ vận động viên mà cả huấn luyện viên cũng rượt đánh trọng tài. Còn chuyện chửi bới thóa mạ đối phương, trọng tài là chuyện thường ngày, thậm chí một số cầu thủ giơ ngón tay thối chế giễu, hăm dọa khán giả.Để ngăn chặn bạo lực sân cỏ, góp phần giảm thiểu những thói hư tật xấu trong thể thao, nhiều năm qua ở mỗi trận đấu cùng ra sân với các cầu thủ, Liên đoàn bóng đá thế giới yêu cầu phải có biểu ngữ: Fair Play.
Ở nước ta những năm gần đây trong bóng đá cũng có giải Fair Play do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức, với tiêu chí góp một phần vào việc làm đẹp cho bóng đá nước nhà. Bắt đầu từ việc mỗi người nâng cao ý thức nhặt rác trong khu vườn bóng đá để mỗi ngày khu vườn ấy sạch hơn và đẹp hơn.
Từ ngày ra đời, giải đã được xã hội đón nhận.Giải năm nay được trao cho đội tuyển U19 quốc gia. Đây là lần thứ 2 liên tiếp U19 được vinh danh và là sự tôn vinh xứng đáng.Trong bầu không khí ảm đạm của bóng đá nước nhà,do kinh tế khủng hoảng,nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương không đủ tiền phải giải thể đội bóng.
Sau thời kỳ phát triển “cực nóng”, bóng đá trở nên hẫng hụt, đâu đó nấc lên những tiếng bi than, lo cho thời thoái trào của bóng đá, thì các cầu thủ U19 trẻ trung, vô tư đã khuấy động, náo nhiệt bầu trời bóng đá u ám đó. Qua các giải đấu chính thức và hữu nghị, chỉ có giải U21 Báo Thanh niên đoạt chức vô địch, còn lại các giải khác, đặc biệt giải U19 châu Á – 2014, không được như kỳ vọng của người hâm mộ, nhưng với lối đá trẻ trung, đẹp mắt, cống hiến các cầu thủ U19 đã chiếm được cảm tình của khán giả cả nước.
Có mặt U19 sân cỏ Cần Thơ chật cứng khán giả.
Nếu không có U19 thử hỏi bóng đá Việt 2 năm qua sẽ như thế nào! U23 thi thố ở SEA Games thua đằng SEA Games; đội tuyển quốc gia tranh tài ở đấu trường khu vực cũng trắng tay trong buồn tủi. Khán giả, các “mạnh thường quân” ngày càng lánh xa sân cỏ,đến nỗi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không làm chủ được giải, phải thuê người nước ngoài điều hành.Cho dù tuyển U19, nòng cốt là U19 Hoàng Anh - Gia Lai còn có nhiều hạn chế, nhất là kinh nghiệm, nhưng ai cũng phải công nhận đó thực sự là những tài năng của bóng đá Việt, không phải tiêu cực, hay ưu ái mà đôn lên tuyển.
Hiệu ứng của U19 không phải là hữu danh vô thực, bong bóng xà phòng, nó lan tỏa và có tiếng nói chất lượng đối với nền bóng đá nước nhà. Điều đó được khẳng định qua mấy trận đầu của giải vô địch quốc gia 2015, đội Hoàng Anh-Gia Lai nòng cốt là các cầu thủ U19 quốc gia đã làm sôi động sân cổ mỗi khi có họ trên sân.
Từ Gia Lai đến Long An cho đến thành phố cảng Hải Phòng, dù thắng hay thua các cầu thủ trẻ Gia Lai đã góp phần làm nên những bữa tiệc bóng đá cực kỳ thịnh soạn. Các cầu thủ trẻ tạo nên chất xúc tác, làm sống lại tình yêu bóng đá Việt vốn đã nguội lạnh của nhiều khán giả. Thế mới thấy không phải tivi, chẳng phải các hình thức giải trí khác lấn át bóng đá, mà do bóng đá không chịu vươn lên cái đẹp để thu hút người hâm mộ.
Cũng như cuộc sống, bóng đá không có chốn dung thân cho thứ bóng đá xấu xí, ích kỷ, vụ lợi.U19 mới trình làng được gần 2 năm. Sự khởi đầu là con đường đẹp rộng mở cho các cầu thủ trẻ. Họ như bông hoa mới nở, còn đó nắng mưa, gió bão, nóng lạnh thất thường, để thành một bông hoa đẹp gian nan chất chồng phía trước. Đời vốn vậy, vinh quang nào mà chẳng phải trải qua nhiều khổ nạn, gập ghềnh. Nhưng có đi mới đến. Có trồng cây, chăm cây mới mong hái được quả ngọt.