Cầu Pá Uôn - Cây cầu kỷ lục Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 23:01 - 23/06/2019
Trước đây, khi nhắc đến Quỳnh Nhai, ai đã từng qua đây đều khó quên những chuyến đò. Để đến được trung tâm huyện Quỳnh Nhai và các bản làng người Thái nằm dọc dòng sông Đà này người dân và cán bộ chỉ có đi đò ngang. Đến năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, quân đội triển khai làm quốc lộ 279 (gọi là quốc lộ 279 bởi thi công vào thời điểm lịch sử, tháng 2-1979) chạy qua Quỳnh Nhai thì lúc ấy người dân mới biết đến phà. Khi đó cũng chỉ là phà nhỏ để chở người và máy móc, nguyên vật liệu.
Cầu Pá Uôn được xây dựng năm 2010.
Mãi đến tận những năm 2000, khi có chủ trương làm thủy điện Sơn La, để chuẩn bị cho công tác di dân thì mới có phà lớn hơn xuất hiện ở Pá Uôn, gọi là lớn nhưng mỗi chuyến phà cũng chỉ chở tối đa được ba ôtô mà thôi. Vì vậy việc đi lại của người dân vẫn hết sức khó khăn.
Tháng 4-2010, khi dòng sông Đà chuẩn bị chặn dòng để tích nước cho phát điện tổ máy số 1 thủy điện Sơn La thì khi đó ngay phía trên bến phà Pá Uôn chưa đầy cây số, một cây cầu sừng sững cao vợi cũng gấp rút hoàn thành để chuẩn bị cho ngày hợp long, thông xe.
Cầu có chiều dài 900m, rộng 9m với hai làn xe, sở hữu 11 trụ, trong đó trụ chính cao nhất lên tới 98,6m. Đây là cây cầu được thiết kế và thi công bởi đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của ngành cầu đường Việt Nam. Dự án được xếp vào cấp đặc biệt do có kết cấu trụ cầu lớn, biện pháp thi công mới cùng với tiến độ thi công gấp rút, cầu là nơi kết nối ngắn nhất giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Cầu được tính toán rất kĩ và đảm bảo chịu được tác động của động đất cấp 8 - 9.
Cầu Pá Uôn trở thành huyết mạch giao thông vùng Tây Bắc.
Với phần trụ cao kỷ lục, tháng 2/2015, cầu Pá Uôn đã được Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục về chiều cao với trụ chính cao tới 98,6m. Tính từ đáy sông lên mặt cầu là 103,8m. Chính vì vậy mà ở thời điểm lúc giờ, Pá Uôn trở thành cây cầu có cột trụ cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Cầu Pá Uôn hoàn thành, đưa vào sử dụng như một món quà ân tình dành cho người dân Tây Bắc - những người sống bên bờ sông Đà đã hi sinh nhà cửa, ruộng vườn cho thủy điện Sơn La. Đồng thời, có vị trí rất quan trọng trong tuyến giao thông nối Sơn La với các tỉnh vùng Tây Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai...
Hiện nay, cầu Pá Uôn không chỉ tạo huyết mạch giao thông thuận lợi cho các tỉnh vùng Tây Bắc mà còn là điểm nhấn cảnh quan, là điểm đến của các tour du lịch, thu hút sự chú ý của người dân cùng du khách trong và ngoài nước, tạo đà phát triển ngành du lịch cho Sơn La nói riêng và cho cả vùng núi Tây Bắc nói chung.
MINH NGỌC