Câu nói “con nhà người ta” khiến trẻ tổn thương như thế nào?
- Chia sẻ
- 17:49 - 29/11/2020
Việc làm cha, làm mẹ đơn thân sau ly hôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống của những trẻ em trong gia đình đơn thân cũng sẽ bị ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Trẻ có trách nhiệm, trưởng thành hơn nhưng mong manh dễ vỡ vì thiếu đi sự yêu thương chăm sóc từ cả hai phía.
Tại Điều con muốn nói với những tâm tư luôn giấu kín của bé Mỹ Anh (14 tuổi) khi bị mẹ so sánh với "con nhà người ta".
Trong Điều con muốn nói, cô bé 14 tuổi mang đến một bức thư dành cho mẹ. Em biết mẹ chăm sóc và muốn những điều tốt đẹp cho em nhưng cô bé xin mẹ được chinh phục ước mơ theo cách của riêng em. Em mong mẹ đừng so sánh em với người khác. Mỹ Anh thổ lộ.
“Ba mẹ ly dị, từ nhỏ con chỉ sống với mẹ và ngoại. Mẹ muốn con trở nên giỏi giang nhưng có một việc ngoài khả năng, con không làm được, mẹ sẽ so sánh con với bạn. Dù con cố gắng hết sức nhưng sẽ có những lần con gặp điểm kém. Khi mẹ so sánh khiến con suy sụp tinh thần, tự tạo áp lực cho bản thân. Ngoài ra, con thích nhảy nhưng mẹ muốn con hát. Con chỉ hát được nhạc trẻ, dân ca, mẹ lại thích học hát đờn ca tài tử. Con không chịu học thì mẹ sẽ giận một tuần, không nói chuyện. Một lần con tự ý đi cắt tóc, mẹ giận con rất lâu, con rất sợ, phải xin lỗi mẹ”. Bé Mỹ Anh chia sẻ.
Ngoài ra, mẹ của cô bé đi làm từ sớm, có những ngày tăng ca trong khi lịch học của cô bé dày đặc, hai mẹ con không có nhiều thời gian tâm sự cùng nhau. Em muốn thổ lộ suy nghĩ trong lòng để mẹ con thấu hiểu hơn. Cô bé hứa rằng sẽ cố gắng học giỏi để tương lai có thể chăm sóc, bù đắp khoảng thời gian mẹ đã hy sinh cho em.
Chị Kiều Dung thổ lộ suốt 14 năm qua chị đóng luôn vai trò của ba lẫn mẹ để chăm sóc Mỹ Anh nhưng vẫn không thể bù đắp được sự thiếu thốn cho con. Mỹ Anh rất ngoan và hiểu hoàn cảnh gia đình, thường động viên chị. “Hôm nay nghe con gái tâm sự, tôi cảm thấy buồn vì mỗi khi hè đến đều ép con học đờn ca tài tử. Nếu con không thích học, tôi sẽ giận. Tôi hay hỏi con những áp lực ở trường, biết con chăm chỉ học tập vì sợ thua sút bạn bè nhưng lại không thấu hiểu suy nghĩ bên trong của con”, chị kể.
Lắng nghe câu chuyện, MC Ốc Thanh Vân cho rằng người mẹ của Mỹ Anh đã vất vả 14 năm qua khi làm mẹ đơn thân, gồng gánh trách nhiệm nên đôi lúc tình yêu vượt ngưỡng trở thành sự độc đoán, kỷ luật, áp đặt cho con cái. “Việc mẹ giận, không nói chuyện với con cả tuần là hoàn toàn sai vì trẻ ở độ tuổi này có những áp lực cần chia sẻ với người lớn. Khi mẹ “chiến tranh lạnh” với con, vô tình đè thêm áp lực cho trẻ”.
Cô khuyên hai mẹ con nên tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi trong một ngày để trò chuyện nhiều hơn, duy trì sự kết nối như hai người bạn thân: “Trừ 3 buổi trong tuần Mỹ Anh đi học thêm, mẹ vẫn còn lại 4 buổI tối trong tuần, hoặc là khoảng thời gian đưa rước con đi học, hai mẹ có thể nói chuyện cùng nhau những vấn đề về bạn bè, tình yêu tuổi mới lớn nếu cần hỏi ý kiến của mẹ”. Ốc Thanh Vân nói.
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định: “Mỹ Anh là một cô bé tuyệt vời, thương mẹ, đôi lúc con không làm sai nhưng vẫn chủ động xin lỗi mẹ. Mẹ thích đờn ca tài tử từ nhỏ nhưng hát không tốt vì thế muốn con giúp mẹ thỏa đam mê. Tuy nhiên, trong nghệ thuật phải có năng khiếu rồi từ đó mới mài dũa ra tài năng thực sự, nên sẽ khó khi ép uổng sở thích của con. Mẹ so sánh vì muốn Mỹ Anh ngày một tốt hơn, dù hiện tại là một món quà tuyệt vời. Con chỉ cần cố gắng hiện tại đã là niềm hạnh phúc của mẹ”.