THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:49

Câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu và những bản tình ca đi cùng năm tháng

Chân dung cuộc tình sẽ đưa khán giả trở lại với câu chuyện về người nhạc sĩ tài hoa, người con đất Quảng cùng những bản tình ca đi qua năm tháng và trở thành khúc tâm tình cho những người yêu nhau: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Câu chuyện về âm nhạc, lẫn cuộc đời được kể qua chính lời kể từ người đồng hương Quảng Nam của Phan Huỳnh Điểu chính là ca sĩ Ngọc Ánh cùng với ca sĩ Đông Đào. 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người được mệnh danh là con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam - trong hơn 75 năm hoạt động âm nhạc, ông để lại hơn 100 tác phẩm, và rất nhiều trong đó là những ca khúc nổi tiếng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Những bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi cùng năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hoà bình.

Câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu và những bản tình ca đi cùng năm tháng  - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Đó là những bản tình ca lãng mạn nhưng gửi gắm trong đó tình yêu nước thiết tha như: Trầu cau, Có một đàn chim… Hay những ca khúc ra đời trong những năm tháng cách mạng sục sôi và kháng chiến trường kỳ: Giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ, Những ánh sao đêm, Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây kơ-nia…

Và không thể không nhắc tới những bản tình ca phổ thơ đã đưa ông lên hàng những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất của âm nhạc Việt Nam như: Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thơ tình cuối mùa thu, Anh ở đầu sông em cuối sông…

Câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu và những bản tình ca đi cùng năm tháng  - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người được mệnh danh là con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam

Ca sĩ Ngọc Ánh là một trong những ca sĩ có cơ hội được hát rất nhiều những ca khúc Phan Huỳnh Điểu và cũng có nhiều cơ hội được gặp gỡ ông ngoài đời. “Lần đầu tiên gặp chú Phan Huỳnh Điểu, tôi ngạc nhiên vì chú quá dễ thương, mộc mạc, gần gũi, thậm chí là rất hài hước. Sinh hoạt chung trong hội âm nhạc, chú nói giọng Quảng, khi biết tôi là đồng hương, chú đặc biệt ưu ái. Tôi hát bài Quảng Nam yêu thương của chú năm 1987 trong một đợt giao lưu ở Đà Nẵng. Sau này gặp lại, chú lớn tuổi nhưng ánh mắt tinh anh, trí nhớ tuyệt vời, cách nói chuyện vẫn duyên dáng, dí dỏm. Chú được lòng hết tất cả ca sĩ, nghệ sĩ, ai mới gặp một lần thì đều sẽ thích tính cách chú. Tôi hay gọi chú là bố”. 

Ba của Ngọc Ánh từng làm một loại rượu thuốc để xoa bóp tay chân. Biết người nhạc sĩ hay đau nhức, chị chở cả ba mẹ đến nhà Phan Huỳnh Điểu ở cư xá Bắc Hải biếu thuốc, vì cả hai đặc biệt hâm mộ ông. Kể từ đó, mỗi khi ông gặp Ngọc Ánh đều gửi lời hỏi thăm gia đình.

Câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu và những bản tình ca đi cùng năm tháng  - Ảnh 3.

Ca sĩ Đông Đào

Nói về sự nghiệp sáng tác, Phan Huỳnh Điểu viết được nhiều thể loại với nhiều ca khúc hùng hồn, sôi động, những bài tình cảm nhẹ nhàng, đậm chất Ngũ cung. Ngọc Ánh cũng cũng hát lại ca khúc Quảng Nam yêu thương và Cuộc đời vẫn đẹp sao bằng chất giọng mộc gửi tặng khán giả: “Nhạc của Phan Huỳnh Điểu bài nào cũng hay như Thơ tình cuối mùa thu, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ, Anh ở đầu sông em cuối sông, đặc biệt là bài Cuộc đời vẫn đẹp sao gây ấn tượng mạnh với người nghe. Đi đến đâu, tôi cũng hát ca khúc ấy. 

Những bài hát giai âm hào sảng, luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi đẹp kể cả những bản tình ca ngọt ngào sâu lắng khiến mọi người phải yêu đời hơn khi nghe. Với tất cả những bài hát, con người của chú phong phú và đa dạng trong sáng tác, gần gũi trong cuộc sống đời thường, một người giám khảo dễ tính trong các cuộc thi”. Ngọc Ánh cho biết ngày nhạc sĩ qua đời, chị đã khóc rất nhiều khi nhớ lại thời gian hát các ca khúc, tình cảm hai chú cháu dành cho nhau. Dù Phan Huỳnh Điểu đã ra đi nhưng âm nhạc và tính cách đời thường của chú sẽ khiến mọi người nhớ mãi trong tim.

Câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu và những bản tình ca đi cùng năm tháng  - Ảnh 4.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng

 Ca sĩ Đông Đào hồi tưởng và không ngớt ngưỡng mộ khi nhắc đến những sáng tác của Phan Huỳnh Điểu. Bởi từ năm 15 - 16 tuổi, Đông Đào đã bắt đầu tập hát những bài hát truyền thống, ca ngợi quê hương đất nước. Chị biết đến những bài hát của Phan Huỳnh Điểu và ca khúc đầu tiên chị mang lên sân khấu hát chính là Anh ở đầu sông em cuối sông. Nhạc của Phan Huỳnh Điểu có những giai điệu mà khi nghe, khán giả có thể cảm nhận được một tình yêu đất nước da diết.

Trong một chương trình hát nhạc quê hương, Đông Đào hát xong Anh ở đầu sông em cuối sông. Phan Huỳnh Điểu là khách mời đặc biệt đã ôm một bó hoa rất to lên tặng và hôn hai bên má Đông Đào. “Bác hài lòng khi nghe tôi hát ca khúc. Bác nói bài hát được nhiều ca sĩ hát nhưng màu sắc Nam Bộ của tôi hợp với bài hát vô cùng.  Tôi ấn tượng bởi sự lãng mạn, ga lăng của bác. Những chương trình, bác luôn khen ngợi và không quên chia sẻ tình cảm, ý muốn của người nhạc sĩ dành cho ca sĩ khi thể hiện ca khúc. Bây giờ bác đã đi xa, những khi hát lại các ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao, tôi vẫn thấy hiện diện hình ảnh của bác trong ca từ, một người nhạc sĩ luôn trẻ trung và yêu đời”, Đông Đào nhớ lại.

Tại Chân dung cuộc tình, khán giả còn được lắng nghe những bài hát nổi tiếng như: Cuộc đời vẫn đẹp sao (Ngọc Ánh), Quảng Nam yêu thương (Vân Khánh), Đêm nay anh ở đâu (Nguyễn Phi Hùng), Người ấy bây giờ đang ở đâu (Quốc Đại), Thơ tình cuối mùa thu (Phương Thuỳ), Sợi nhớ sợi thương (Nguyễn Kiều Oanh).

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh