Câu chuyện bóng đá cuối năm: Từ vụ Samson, bóng đá Việt xuống dốc “ổn định”
- Văn hóa - Giải trí
- 23:54 - 24/01/2017
Vòng đấu vừa qua tại V-League cầu thủ Samson(HNFC) đã có pha phạm lỗi thô bạo với Ngọc Quang (HAGL). Những góc máy cận cảnh cho thấy Samson rõ ràng đã đạp gầm giày lên đầu gối cầu thủ trẻ đội khách, hình ảnh thậm chí được một số người hâm mộ bình luận là “man rợ”, mang tính triệt hạ đối phương. Tuy nhiên trọng tài chính cũng như giám sát đã không có hình phạt thích đáng ngay lúc đó và sau đấy ban tổ chức giải cũng im lặng, chỉ đến khi dư luận lên tiếng vì hành vi quá “phi thể thao” thì Ban trọng tài mới họp báo.
Ban trọng tài VFF đã đưa ra tuyên bố chính thức về pha tranh bóng bạo lực của Hoàng Vũ Samson phía Hà Nội FC với cầu thủ đội HAGL là tranh chấp ở mức liều lĩnh. “Sau khi nghiên cứu các báo cáo và băng hình kỹ thuật, các ban chuyên môn nhận định, theo Luật 12, pha vào bóng của Samson là tình huống tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của cầu thủ đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực. Xem lại băng ghi hình có thể thấy cầu thủ Châu Ngọc Quang ngã là do va chạm với Trần Văn Kiên, bóng bật ra và cùng thời điểm Samson lao đến, phần chân của Samson trượt lên trên đầu gối của Châu Ngọc Quang chứ không phải đạp thẳng.”
Cận cảnh pha vào bóng nguy hiểm của Samson (ảnh cắt từ clip VPF)
Như vậy cầu thủ của Hà Nội FC, Hoàng Vũ Samson sẽ không phải chịu bất cứ hình phạt nào và tiếp tục tham gia các trận đấu như bình thường. Theo đó, ban trọng tài sẽ không gửi hồ sơ lên ban kỷ luật để đề nghị xử phạt.
Trong khi ở vòng đấu trước, cầu thủ Omar của FLC Thanh Hóa đã phải nhận án kỉ luật cấm thi đấu 8 trận. Omar đồng thời phải nộp phạt 30 triệu đồng. Theo xác định của Ban kỷ luật VFF, cầu thủ người Senegal đã có hành vi khiêu khích thiếu văn hoá đối với khán giả. Với án phạt này, Omar coi như nghỉ thi đấu gần hết lượt đi V.League 2017.
Hình phạt của Omar có đúng là thích đáng, vì anh ta đã có hình vi trả đũa thiếu fairplay. Nhưng mức độ pha vào bóng của Samson còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tuy nhiên sự “mờ ám” nào đó đã khiến cho ban trọng tài quốc gia cùng với ban tổ chức giải cùng nhất trí với việc đó là pha vào bóng liều lĩnh chứ không phải bạo lực.
Chuyên gia Trịnh Minh Huế: “Tôi muốn hỏi LIỀU LĨNH với BẠO LỰC khác nhau ở đâu? Thế liều lĩnh thì không phải bạo lực à? Bản thân cách nói, cách giải thích của Ban trọng tài như thế đã quanh co, đầy mâu thuẫn rồi. Không thể xử (hay vì sợ ai đó mà không dám xử) Samson, mà cứ vin vào câu chữ này nọ để để bao che, bênh vực cậu ta là coi thường người hâm mộ một cách cực kỳ trắng trợn”.
Ngoài ra còn rất nhiều chuyên gia bóng đá hay các cựu trọng tài đều lên tiếng và cho rằng đây là một pha vào bóng thô bạo mang tiếng triệt hạ đối thủ. Tuy nhiên nhưng người có thẩm quyền đưa ra kết luận đều phớt lờ.
Sau kết luận khó tin của Ban trọng tài quốc gia, có lẽ lòng tin của người hâm mộ vào nền bóng đá đang xuống dốc này lại càng giảm sút. Vụ việc này có thể tạo thành tiền lệ xấu, khi các cầu thủ thằng chân triệt hạ đối thủ và ông bầu của họ sẽ chạy giảm án từ “bạo lực” thành “liều lĩnh”.