THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Câu chuyện bi kịch của anh nông dân nghèo sau khi thành ca sĩ nổi tiếng

Chu Chí Văn là người nổi tiếng nhất làng Châu Lâu, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông. Năm 2010, Chu tham gia cuộc thi "Tôi là ngôi sao" của đài truyền hình Sơn Đông và trở nên nổi tiếng nhờ chất giọng hiếm có. Tiếp đà đó, người đàn ông gần 40 tuổi bước lên sân khấu của chương trình "Đại lộ ngôi sao" của đài truyền hình quốc gia và nhanh chóng trở thành hiện tượng lạ. Cuộc thi này Chu đã giành huy chương vàng, dù xuất thân chỉ là công nhân cầu đường, không qua trường lớp thanh nhạc nào.

Câu chuyện bi kịch của anh nông dân nghèo sau khi thành ca sĩ nổi tiếng - Ảnh 1.

Chu Chí Văn trở thành ca sĩ nổi tiếng vì sở hữu chất giọng cao hiếm có, dù không được học qua trường lớp thanh nhạc. (Ảnh: Sina)

Sau cuộc thi, khán giả ưu ái dành tặng Chu biệt danh "Anh trai áo choàng" bởi sở thích mặc áo choàng kiểu Trung Quốc mỗi khi bước lên sân khấu.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ một công nhân kiếm được 15 tệ mỗi giờ làm việc (khoảng 40.000 đồng), Chu Chí Văn được săn đón tại các sân khấu lớn, trình bày các ca khúc ca ngợi tổ quốc với cát xê lên tới 100.000 tệ (330 triệu đồng) cho một buổi biểu diễn. Có những tháng, các show diễn của Chu được xếp kín lịch.

Tưởng rằng khi nổi tiếng, Chu sẽ rời bỏ ngôi làng nghèo Châu Lâu để lên thành phố, tuy nhiên trong một bài chia sẻ, người đàn ông này cho hay, ông vẫn ở lại nhà cũ.

"Tôi muốn về nhà để báo đáp bố mẹ. Cả đời bố mẹ đã quá vất vả rồi. Tôi muốn hai người được sống sung túc trong chính ngôi nhà của mình", Chu nói.

Trở về quê nhà trong vinh quang, Chu trở thành "báu vật" trong mắt dân làng Châu Lâu. Trước khi nổi tiếng, họ hàng hay người làng ít khi đến nhà Chu thăm hỏi. Nhưng khi trở thành "Chàng trai áo choàng", mọi người đến chơi tới tấp, tỏ tình làng xóm hữu hảo thân thiết. Cuộc sống gia đình Chu bắt đầu xáo trộn.

"Có những ngày có hàng nghìn người đến nhà tôi", Chu chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Câu chuyện bi kịch của anh nông dân nghèo sau khi thành ca sĩ nổi tiếng - Ảnh 2.

Dân làng Châu Lâu đứng trước cổng nhà Chu Chí Văn mỗi ngày để xin tiền, vay tiền hoặc làm livestream kiếm tiền. (Ảnh: Sina)

Mục đích của những người này đều như nhau, không phải đến chúc mừng sự thành công của Chu mà để nhận tiền từ anh: "Giàu có rồi phải báo đáp quê hương và làng xóm", họ nói với anh như vậy.

Chu Chí Văn vốn rất tốt bụng, giúp xây đường cho làng, sẵn sàng cho tiền những người đến xin với lý do "vợ ung thư sắp chết" hay "bố mẹ già không có thu nhập". Hoặc ai ngỏ ý vay tiền, anh cũng sẵn sàng móc túi. Số tiền cho vay đã lên tới khoảng 1 triệu tệ (3,3 tỷ đồng) nhưng Chu cũng biết chẳng thể nào lấy lại được.

Không chỉ dừng lại ở việc xin tiền, ba năm trước nhiều người trong làng Châu Lâu bắt đầu đổi nghề. Thay vì ngồi nhà bóc lạc, tuốt ngô, từ đứa trẻ 7 tuổi đến cụ già 70 tuổi thường xuyên chầu trực trước cửa nhà Chu với chiếc điện thoại trên tay, ghi lại cuộc sống thường nhật của ca sĩ nổi tiếng.

Trên hàng loạt các nền tảng video Trung Quốc, cuộc sống thường nhật của Chu Chí Văn được cập nhật liên tục, lúc thì Chu dọn nhà, lúc bẻ ngô, thậm chí ngồi khâu quần áo cho con cũng được quay lại nhằm kiếm tiền từ trí tò mò của người hâm mộ. Đương nhiên đó không phải là kênh của Chu, mà là của những người hàng xóm.

Không đi biểu diễn, mỗi khi cánh cửa nhà Chu hé mở, khoảng ba mươi người ập vào cùng một lúc. Nhóm người này coi nhà của nam ca sĩ như nhà riêng của mình. Một số người lấy thức ăn trong tủ lạnh, số khác vô tư trèo cây hái quả, thậm chí họ còn nấu ăn ngay trong bếp. Họ giống nhau ở điểm tay lăm lăm chiếc điện thoại di động, khi nào Chu có hoạt động mới sẽ đồng loạt chạy theo để quay phim.

Khoảng tám mươi người trong làng Châu Lâu đang kiếm tiền bằng cách phát video trực tiếp cuộc sống của Chu. Thậm chí có gia đình cả nhà gồm bố mẹ và con cái cùng tham gia đội live stream. Ba năm nay, việc này vẫn tiếp diễn vì Chu cho phép, bởi ông lo nếu phản đối, bố mẹ sẽ mất mặt với làng xóm.

"Mỗi ngày mở mắt, cuộc sống của tôi liên tục được ghi lại và phát trực tiếp. Nhưng làm vậy họ kiếm được tiền, tôi vẫn chấp nhận", Chu cay đắng nói.

Lúc đầu mọi người đều lịch sự với Chu, nhưng khi anh tỏ ta mệt mỏi và chán nản, họ bắt đầu phàn nàn. Họ mong muốn người đàn ông này luôn vui vẻ để cung cấp những video thú vị, giúp họ kiếm được nhiều tiền nhất có thể. "Với nhiều người trong làng, Chu là cái cây ATM", một người làng Châu Lâu chia sẻ.

Câu chuyện bi kịch của anh nông dân nghèo sau khi thành ca sĩ nổi tiếng - Ảnh 3.

Dù Chu Chí Văn có hoạt động gì trong ngày cũng được nhiều người dân ghi lại, từ đứa trẻ 7 tuổi cho đến các cụ già 70 tuổi. (Ảnh: Sina)

Cũng từ khi cha thành ca sĩ nổi tiếng, hai người con của Chu "một bước lên tiên" khi được đáp ứng đầy đủ điều kiện học tập tốt nhất. Tuy nhiên do không có sự giám sát của cha bởi lịch làm việc bận rộn, cả hai đều trở nên lười biếng, thậm chí bị đuổi học.

Chu Tuyết Mai, 20 tuổi, con gái lớn của Chu Chí Văn - muốn tránh sự dòm ngó của làng xóm, thường xuyên nhốt mình trong phòng, chỉ ăn và ngủ, cân nặng giờ lên tới 100 kg. Từ khi tốt nghiệp cấp 3, cô bé không học tiếp cũng không tìm việc làm. "Cha đã giàu, tôi không cần phải đi làm. Chỉ chờ cha tìm cho đối tượng thích hợp", cô gái này nói.

Con trai thứ Chu Đơn Vỹ lại là một cậu bé ngỗ ngược, không nghe lời. Có ông bố kiếm tiền giỏi, cậu cũng thường xuyên lấy tiền của nhà đi chơi điện tử, trốn học dẫn tới bị đuổi học. Sau này Đơn Vỹ đi theo những chuyến biểu diễn của cha với vai trò trợ lý, tuy nhiên thường bị người cùng đoàn phàn nàn vì lười biếng và hống hách.

Sau 10 năm "một bước thành sao", gần đây, Chu thốt lên rằng "Giờ tôi không muốn đi hát nữa".

Theo người đàn ông này, sự nổi tiếng đã mang lại cho ông tiền tài danh vọng nhưng đã cướp đi của ông những đứa con ngoan và cuộc sống yên bình.

"Giờ tôi chỉ mong có được một cuộc sống bình thường không bị làm phiền bởi những chiếc điện thoại và máy ảnh. Tôi đang cố giúp người dân làng mình có cuộc sống tốt hơn, nhưng nó đã làm cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ", Chu Chí Văn chia sẻ.

HẢI HIỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh