Cải cách hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân
- Tây Y
- 18:06 - 13/02/2017
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, quận Thanh Xuân. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN
Theo đó, Hà Nội chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan tư pháp, tạo tiền đề cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tư pháp; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp. Thành phố chỉ đạo việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực hộ tịch, quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm được mở rộng, tạo lập hệ thống thông tin về giao dịch bất động sản phục vụ hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của thành phố và giao dịch mở để các tổ chức, công dân tiếp cận, khai thác sử dụng. Ngành Tư pháp đ ẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên môn và hoạt động quản lý, điều hành.
Ngành Tư pháp Hà Nội đã chú trọng thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cập nhật và chỉnh sửa kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thành phố theo các văn bản quy phạm mới ban hành trong lĩnh vực tư pháp; nâng cao chất lượng hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp...
Toàn thành phố đã thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục bằng hình thức như: Niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị, đăng bài trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện, tạo thuận lợi hơn cho công dân và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tại UBND các cấp.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Hà Nội còn thực hiện ứng dụng quản lý hệ thống quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp đồng bộ, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của thành phố, thực hiện đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính… đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, Sở Tư pháp còn phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng, triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố, đến nay đã triển khai dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh - cấp thẻ Bảo hiểm y tế - đăng ký thường trú, khai tử - xóa đăng ký thường trú đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Công tác này bước đầu đạt kết quả khả quan, toàn thành phố tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 60%; thời gian giải quyết được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 5-7 ngày. Đây là một bước đột phá của Hà Nội trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành nghiên cứu mở rộng triển khai các dịch vụ công: Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký giám hộ, sao lục hộ tịch, chứng thực bản sao từ bản chính.
Đồng thời, nghiên cứu việc số hóa sổ sách, giấy tờ hộ tịch… để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của thành phố. Sau khi nghiên cứu, bước đầu sẽ thí điểm ở quận Long Biên và triển khai ra toàn thành phố trong thời gian tới.