"Cất cánh" tháng 8: Khi người trẻ bỏ phố về "Giữ quê"
- Văn hóa - Giải trí
- 21:48 - 16/08/2019
Sinh viên sau khi ra trường, người trẻ muốn khởi nghiệp... đa số đều chọn những thành phố lớn để làm nơi thử sức, hoà nhập vào môi trường công nghiệp, năng động và nhiều thử thách. Người người đổ về các thành phố lớn để tìm cho mình một cơ hội phát triển, “miếng bánh” cơ hội bị chia nhỏ thành từng mảnh, khiến sự cạnh tranh tăng cao. Thậm chí, nhiều người còn không biết mình đến thành phố lớn thế này để làm gì, họ lạc lõng trong chính sự lựa chọn của mình.
Có thể với nhiều người là không, nhưng với những khách mời của “Cất cánh” tháng 8 là có. Thậm chí họ đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, không chỉ cho bản thân mà cho cả những vùng quê,những người dân địa phương nơi họ dừng chân, cho dù đó có thể không phải là quê hương họ.
Thành phố với đầy đủ điều kiện tiếp cận với những thứ mới mẻ, hiện đại và năng động luôn lấp lánh ánh đèn màu đầy mê hoặc với người trẻ. Người người đổ về các thành phố lớn để tìm cho mình một cơ hội phát triển. Trong khi đó, các vùng nông thôn lại đang hứa hẹn rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, quyết định trở về sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Và nếu vượt qua được, họ sẽ nắm trong tay cơ hội thành công. Sự trở về ấy cũng bao gồm những con người quyết định bỏ lại phía sau những điều kiện tốt đẹp ở nước ngoài, về lại và dựng xây một quê hương lớn, Việt Nam. Sự trở về ấy cũng có khi không phải là trở về và ở hẳn tại quê hương. Âm thầm, giúp đỡ quê hương mình “cất cánh” từ xa cũng là “trở về”.
Chương trình “Cất cánh” tháng 8 có sự tham gia của các diễn giả: KTS Bùi Kiến Quốc – Người giữ làng, Giàng Seo Châu - Người mở lối làm giàu cho người dân Mản Thẩn và Nguyễn Anh Tuấn – Người đánh thức “trí tuệ làng.
KTS Bùi Kiến Quốc được mệnh danh là “Người giữ làng”. Ông là một Việt kiều – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp, nhưng lúc nào ông cũng thích giới thiệu mình là một “anh nhà quê Quảng Nam”. Sinh năm 1944, rời Việt Nam từ năm 7 tuổi, sau 40 năm học tập và làm việc tại Pháp, năm 1996, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trở về Việt Nam gắn bó làng quê Việt… Năm 2006 ông chứng kiến Làng Triêm Tây Quảng Nam hàng năm bị xói mòn đi hàng chục mét đất, đau lòng trước việc mất đất, với KTS Bùi Kiến Quốc giữ đất là giữ làng ông đã đề xuất với chính quyền để cải tạo làng Triêm Tây thành khu du lịch sinh thái. Giờ đây, Làng Triêm Tây đã trở thành một công trình thành công với dạng thức điển hình của kiến trúc bền vững – tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng, nâng niu văn hóa bản địa và đặc biệt là yếu tố huy động được sức mạnh của cộng đồng.
Hay như Giàng Seo Châu – một chàng trai trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Sống trong hoàn cảnh gia đình và quê hương khó khăn, Châu hiểu rằng, chỉ có học mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vì vậy, Châu đã quyết tâm vượt qua cả chục cây số đường rừng suốt nhiều năm liền để tới lớp và luôn cố gắng trong học tập. Hiện anh đang là Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Với tinh thần vượt khó và những nỗ lực đóng góp cho quê hương, vừa qua, Châu trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.
Đó cũng là Nguyễn Anh Tuấn, sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một mảnh đất giáp biên giới Việt Lào. Tốt nghiệp đại học và có sự nghiệp vững chắc tại TP. Hồ Chí Minh, Tuấn khát khao mang kiến thức đến với vùng quê nghèo. Thế là ý tưởng “Ngôi nhà trí tuệ” cho vùng quê nghèo ra đời. “Tôi muốn đánh thức trí tuệ làng” bằng ý tưởng xây dựng “ngôi nhà trí tuệ”, biến ngôi nhà cũ của mình thành một nơi học tập của cộng đồng, nhằm lan tỏa hơn tình yêu tri thức.”- Tuấn nói.
“Ngôi nhà trí tuệ” đầu tiên được Tuấn thiết kế ngay trong ngôi nhà của bố mẹ mình tại xóm 7, Cồn Tần, Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An. Ngôi nhà thứ 2 tại xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Trong năm 2019, Tuấn dự kiến mở thêm 3 ngôi nhà khác tại Nghệ An, Huế, Bình Định. Tại đây có các lớp học miễn phí với nhiều môn học cho khoảng 100 học sinh, chia làm hai lớp: 6-9 tuổi và 9-15 tuổi. “Ngôi nhà trí tuệ được lắp đặt bảng đen, bàn ghế, hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát, có nhà vệ sinh, 3 tủ sách với 1.700 đầu sách các loại.
Giáo viên dạy học ở đây là những thầy, cô giáo tình nguyện trong và ngoài huyện Thanh Chương, có cả giáo viên ở Vinh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, thậm chí có cả giáo viên người nước ngoài. Họ tình nguyện đến với tấm lòng của mình, không đòi hỏi thù lao, chi phí đi lại, ăn ở.
Có thể nói, họ là những người gắn bó với quê hương, đang hàng ngày, hàng giờ tạo ra những giá trị tốt đẹp, không chỉ cho bản thân mà cho cả những vùng quê, cho những người dân địa phương nơi họ dừng chân, cho dù đó có thể là mảnh quê nơi sinh ra họ và cũng có thể không phải là nơi chôn rau cắt rốn của họ. Những con người ấy mang trong mình một khát khao cháy bỏng "giữ quê". Họ luôn nhìn thấy cơ hội ở những làng quê ruộng đất trải dài thẳng cánh cò bay. Họ cũng nhìn thấy những thách thức không dễ vượt qua khi trở về trên mảnh đất quê ấy. Nhưng họ vẫn lựa chọn trở về để giữ quê. Trở về để sống, cống hiến và gieo những hạt mầm niềm tin và hy vọng vào quê hương.
ĐĂNG KHOA