THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:48

Hoàn thiện thể chế, hoàn thành Chương trình công tác năm 2018

3 tháng đầu năm: Giải quyết việc làm cho 358 nghìn lao động

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2018 lĩnh vực lao động- người có công và xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, phát huy những kết quả đạt được năm 2017, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngay từ đầu năm các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, cụ thể:

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát hộ gia đình người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... để chuẩn bị kế hoạch thăm hỏi, tặng quà; rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động; Trong dịp Tết các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt nam anh hùng, gia đình người có công với các mạng, các đối tượng chính sách, người lao động... Nhìn chung, người dân cả nước, nhất là các đối tượng yếu thế đều được quan tâm, chăm lo, đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, cần quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm 2018


Trong lĩnh vực việc làm, ước thực hiện 3 tháng đầu năm cả nước giải quyết việc làm cho trên 358 nghìn lao động, trong đó: Tạo việc làm trong nước cho 330 nghìn người (bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa khoảng 28 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án về giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục các giải pháp thúc đẩy đào tạo gắn với doanh nghiệp; tìm kiếm giải pháp để cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo. Ước tuyển sinh 3 tháng đầu năm là 86.600 người.

Hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách về bảo hiểm xã hội, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng; Tập trung thực hiện các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống người có công với cách mạng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ...) để quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng, bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp.


Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung đề cập đến giải pháp phát triển thị trường lao động

Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2018

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, năm 2018, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhiệm vụ còn lại của các tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực với quyết cao của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, trong đó, tập trung và một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Hoàn thiện thể chế, hoàn thành Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng các đề án theo Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ. Trong đó, tập trung hoàn thiện dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2018; Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực sản xuất, kinh doanh và Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 vào tháng 05/2018.

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp


Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch năm 2018, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23 - 23,5%);  Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5% (trong đó, các huyện nghèo giảm 4%); qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, năm 2018, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó tập trung: Hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo lộ trình; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; Xây dựng các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội.

Đối với lĩnh vực việc làm, Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung nhấn mạnh, năm 2018, với các chỉ tiêu về lao động, việc làm mà Quốc hội, Chính phủ giao là tạo việc làm trong nước cho 1,49 triệu người; Tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm cho 100.000 lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60%; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, theo Cục trưởng Lê Kim Dung, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm; Hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm; Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động; Nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; Hướng dẫn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm.

 

Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết, ngành sẽ đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công


Trong lĩnh vực người có công, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế như Nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành; rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng, nhiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với một số đối tượng mới chưa có chính sách

Đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót. Đồng thời, tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

 

Nhóm PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh