Cập nhật dịch Covid-19: Hơn 4,4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, WHO cảnh báo dịch Covid-19 có thể không bao giờ biến mất
- Công nghệ
- 16:01 - 14/05/2020
Bản tin lúc 6h00 ngày 14/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay đã 28 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng. Hiện 17 bệnh nhân đang điều trị âm tính từ 1 lần trở lên với virus gây Covid-19.
Diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng, mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 14/5 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 86.740 ca mắc bệnh và 5.243 ca tử vong mới, cao hơn so với hôm trước.
Đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 4.424.177 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 297.694 ca tử vong. Đại dịch Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 1.654.918 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch giảm xuống còn 45.929 và 2.471.565 người đang phải điều trị tích cực.
WHO: Covid-19 có thể không bao giờ biến mất
Trong khi một số quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế phong tỏa trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này phát tán, ngày 13/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể không bao giờ biến mất và dân số trên toàn thế giới sẽ phải học cách sống chung với nó.
"Có một loại virus mới xâm nhập vào quần thể loài người và rất khó dự đoán khi nào chúng ta sẽ thắng chúng. Virus này có thể trở thành một loại virus đặc hữu khác trong cộng đồng của chúng ta và có thể không bao giờ biến mất", Michael Ryan, giám đốc cấp cứu của WHO cho biết trong một cuộc họp báo ở Geneva.
Các trường hợp mắc Covid-19 đang gia tăng ở Mỹ
Ngày 13/5, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về cả số ca bệnh Covid-19, với 1.429.111 ca (tăng 20.475 ca trong 24 giờ qua) lẫn số ca tử vong, 85.154 ca (tăng 1.729 ca).
Theo phân tích của Reuters, gần như tất cả 50 tiểu bang của Mỹ đã bắt đầu cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại và cư dân được tự do hơn, nhưng chỉ có 14 bang đáp ứng các hướng dẫn của chính phủ liên bang về các biện pháp nâng hạ nhằm chống lại đại dịch.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã khuyến nghị các tiểu bang chờ đợi cho đến khi số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày giảm xuống trong 14 ngày trước khi giảm bớt các hạn chế về khoảng cách xã hội.
Canada, Mỹ có thể sẽ gia hạn hạn chế đi lại cho đến ngày 21/6
Canada và Hoa Kỳ dường như sẽ gia hạn lệnh cấm du lịch không cần thiết cho đến ngày 21/6 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra, các nguồn tin ở cả hai quốc gia cho biết hôm thứ Tư. Hai nước láng giềng đã đồng ý vào ngày 18/4 để gia hạn hạn chế biên giới cho đến ngày 21/5 khi các trường hợp mắc bệnh tiếp tục gia tăng ở cả hai quốc gia.
Tại Washington, một quan chức Mỹ xác nhận hai bên đã đồng ý gia hạn 30 ngày.
Trong ngày 13/5, Canada ghi nhận 1.121 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 72.278 và 133 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên 5.302.
Mexico và Brazil ghi nhận số ca tử vong trong ngày do Covid-19 cao, tăng thêm 300 người
Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong 1 ngày, với lần lượt 1.997 và 353 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, ở mức hơn 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.
Còn tại Brazil, điểm dịch lớn của khu vực và thế giới, trong vòng 24 giờ qua, xứ sở Samba ghi nhận tới 11.555 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 754 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 tại Brazil tới nay lên lần lượt 189.157 và 13.158 trường hợp.
Số người chết vì Covid-19 hàng ngày tại Italy tăng, trường hợp mới giảm
Số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Italy đã tăng lên 195 vào thứ Tư (ngày 13/5), so với ngày hôm trước, Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết, nhưng số lượng các trường hợp mắc bệnh mới hàng ngày đã giảm xuống còn 888 so với 1.402 vào thứ Ba.
Tổng số người chết kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 21/2, hiện ở mức 31.106, cao thứ 3 trên thế giới sau Hoa Kỳ và Anh.
Số lượng các trường hợp được xác nhận mắc bệnh lên tới 222.104, cao thứ 5 toàn cầu sau: Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Anh và Nga.
Cơ quan này cho biết, hiện 1,779 triệu người đã được thử nghiệm virus trong tổng số khoảng 60 triệu người.
Pháp báo cáo số ca tử vong do Covid-19 giảm
Tại Pháp, tính đến 6 giờ sáng 14/5 theo giờ Việt Nam, số ca tử vong do dịch Covid-19 là 27.074 người (tăng 83 ca trong 24 giờ). Hiện Pháp có 21.071 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 524 ca so với hôm trước), trong đó 2.428 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 114 ca). Bên cạnh đó, 58.673 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ liên tục điều chỉnh các biện pháp cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong những ngày nới lỏng hạn chế.
Nước Anh tạm thời bắt đầu nới lỏng hạn chế do Covid-19
Nước Anh tạm thời bắt đầu nới lỏng hạn chế do Covid-19 vào thứ Tư (ngày 13/5). Theo đó, vào sáng thứ Tư, những người trong ngành sản xuất và một số lĩnh vực khác đã được yêu cầu quay trở lại làm việc nếu họ có thể.
Dữ liệu GDP vào thứ Tư cho thấy nền kinh tế của Anh đã giảm xuống mức kỷ lục 5,8% trong tháng 3 kể từ tháng 2 và dữ liệu tháng 4 có thể còn tồi tệ hơn khi cả nước bị phong tỏa trong cả tháng. Chính phủ đang nới lỏng các hạn chế chỉ dần dần vì sợ gây ra đỉnh thứ hai. Thủ tướng Boris Johnson đã mô tả quá trình này là một hành động cân bằng "cực kỳ khó khăn".
Theo các dữ liệu chính thức, nước Anh bị thiệt hại nặng nhất ở châu Âu với hơn 33.186 người chết vì Covid-19 và 229.705 người nhiễm bệnh.
Nghiên cứu cho thấy, 5% người Tây Ban Nha bị nhiễm Covid-19
Chỉ 5% dân số Tây Ban Nha đã bị nhiễm Covid-19, mặc dù con số này tăng lên hơn 10% ở Madrid và các khu vực ở trung tâm của đất nước, theo một nghiên cứu được chính phủ công bố hôm thứ Tư (13/5). Nghiên cứu được đưa ra ngày 27/4 dựa trên các xét nghiệm huyết thanh học cho thấy phơi nhiễm với Covid-19 và lấy mẫu từ 60.000 người.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch toàn cầu, với hơn 27.000 trường hợp tử vong và khoảng 228.600 trường hợp được xác nhận bằng xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Hiện tại, Tây Ban Nha là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với 271.095 trường hợp và số ca tử vong cao thứ 4 thế giới với 27.104 người tử vong.
Nga tuyên bố những dấu hiệu đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm đầu tiên về thuốc kháng virus favipiravir
Một loại thuốc ứng cử để điều trị Covid-19 - favipiravir đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng sớm ở Nga, theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, nơi cung cấp 150 triệu rúp (2 triệu đô la Mỹ) cho dự án.
Người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev cho biết, 60% trong số 40 bệnh nhân Covid-19 dùng viên thuốc favipiravir, được phát triển đầu tiên ở Nhật Bản dưới tên Avigan, đã thử nghiệm âm tính với virus trong vòng 5 ngày và cho biết việc điều trị có thể cắt giảm một nửa thời gian phục hồi.
Tại Nga, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến hết ngày 13/5, nước này ghi nhận thêm 10.028 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang, đưa tổng sống người mắc lên 242.271 trường hợp. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày nhiều nhất song con số đã giảm chút ít với 4.703 trường hợp.
Châu Á dù là nơi bùng phát đại dịch (tại Trung Quốc) nhưng tới nay chỉ có 720.802 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 23.200 trường hợp tử vong
Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ hai
Ngày 13/5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới.
Trung Quốc đang trong quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và hoạt động kinh tế trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra. Cho tới hiện tại, số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc là 82.926 với 4.633 người tử vong.
Hàn Quốc lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai
Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 14/5, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận 26 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số nhiễm lên 10.962 trường hợp, thêm 1 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong là 259. Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.
Trước nguy cơ thủ đô Seoul có thể trở thành ổ dịch thứ hai, sau Daegu, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bản hướng dẫn, có sửa đổi cách thức đối phó với đại dịch, áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tới sáng 14/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 62.790 ca mắc bệnh Covid-19 và gần 2.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có 3 nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì đại dịch.
Số ca mắc Covid-19 tại Trung Đông vẫn chưa chững lại
Ngày 13/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 338 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia này lên 10.431 người. Số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 556, sau khi có ghi nhận thêm 12 trường hợp tử vong trong ngày.
Trong khi đó, tại nhiều nước Trung Đông khác, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/5 xác nhận thêm 1.639 ca mắc Covid-19 và 58 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 143.114 trường hợp và 3.952 người thiệt mạng.
Tại Iraq, ngày 13/5, Bộ Y tế nước này thông báo mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày với 119 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.032 người. Đến nay, Iraq đã ghi nhận 115 bệnh nhân tử vong, số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 1.966 người. Giới chức Iraq cho rằng, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên trong những ngày qua là do người dân nước này không tuân thủ triệt để các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cảnh báo "thảm họa y tế" có thể xảy ra tại thủ đô Baghdad và tỉnh Basra.
Ngày 13/5, Bộ Y tế Lesotho thông báo nước này đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, qua đó trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm này.