CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:19

Cập nhật ­­COVID-19 thế giới: Đã có trên 275 triệu ca mắc

Người dân mua sắm chuẩn bị cho Giáng Sinh tại London, Anh, ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm chuẩn bị cho Giáng Sinh tại London, Anh, ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  trên toàn cầu trên 275.458.517 ca, trong đó có 5.374.909 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 91.000 ca), trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại London, Anh ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại London, Anh ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 245.700.000 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 22 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 20/12, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Các phương tiện xếp hàng tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 18/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Các phương tiện xếp hàng tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 18/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với hơn 60% số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày trên toàn cầu tập trung tại châu lục này. Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron virus SARS-CoV-2 trên khắp châu Âu và Mỹ, đang đặt ra những thách thức lớn, đe dọa ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của kinh tế thế giới.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo đã ghi nhận 82.886 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, thấp hơn so với mức 90.418 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 11.361.387 ca. Trong đó, Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể này xuất hiện tại đây. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh hiện là 37.101 ca. Anh đến nay có 12 ca tử vong và 104 ca đang phải điều trị trong các bệnh viện vì nhiễm biến thể Omicron.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh, thậm chí số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người không làm xét nghiệm biến thể này.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Trong khi đó, Bộ Y tế Ireland thông báo đã ghi nhận 5.124 ca mắc mới, hơn 50% trong số này là ca nhiễm biến thể Omicron. Ông Tony Holohan, một quan chức y tế, nhận định việc Omicron chỉ mất chưa đầy 2 tuần để trở thành biến thể chủ đạo tại Ireland đã cho thấy tốc độ lây nhiễm của biến thể này. Ông Holohan cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường sớm nhất có thể, đồng thời nhấn mạnh mọi biện pháp hiện nay là rất quan trọng trong việc ngăn chặn làn sóng dịch để có thể giảm số ca tử vong và nguy cơ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy, ngày 11/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy, ngày 11/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại cuộc họp ngày 20/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các bang đã thống nhất với dự thảo thỏa thuận, theo đó dự kiến áp đặt các biện pháp hạn chế mới từ ngày 28/12. Với quy định mới, các cuộc tụ tập ở nơi công cộng, kể cả bên ngoài và không gian trong nhà, đồng thời áp dụng với cả những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, mức tối đa chỉ được 10 người. Trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được miễn quy định. Nếu một người chưa tiêm chủng tham gia cuộc gặp đông người, thì quy định sẽ nghiêm ngặt hơn, theo đó những người từ một hộ gia đình chỉ được gặp với tối đa hai người từ một gia đình khác.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (IRK), Đức đã ghi nhận 16.086 ca mắc mới và 119 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính tổng số ca mắc từ đầu dịch, Đức đã ghi nhận 6.809.622 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 108.352 ca tử vong.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 17/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 17/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.675 ca mắc mới COVID-19 và 396 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã trên 14.656.172 trường hợp và 300.514 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 4 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/12/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/12/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Việt Nam ngày 20/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với xấp xỉ 15.000 ca mắc mới và 225 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/12 ghi nhận thêm trên 2.500 ca bệnh mới và 31 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 7 bệnh nhân mới và không có ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 1 ca tử vong vì COVID-19. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna. Ảnh: AFP/ TTXVN

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh