THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:12

Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu sẽ “giải cứu” quá tải QL51

Đường tắc, phí logistic tăng cao

Theo các chuyên gia giao thông tuyến QL51 là tuyến đường bộ độc đạo kết nối TP.HCM, Đồng Nai đi Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều năm qua đã gồng gánh lượng xe từ các khu công nghiệp, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và du lịch biển. Trước thực trạng “quá tải” nếu không sớm được giải cứu sẽ kiềm chế hoạt động phát triển logistics, sự tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc sớm đầu tư cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu đã được các Bộ, ngành quan tâm tháo gỡ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá. Tuy nhiên hiện hạ tầng giao thông, các tuyến giao thông cửa ngõ vẫn đang “tắc”, chi phí và thời gian vận chuyển một container hàng hoá mất rất nhiều thời gian.

Xe cộ nối đuôi nhau chờ qua Trạm thu phí T2, QL51

Xe cộ nối đuôi nhau chờ qua Trạm thu phí T2, QL51

Tại Đồng Nai, có rất nhiều doanh nghiệp hoạ động xuất nhập khẩu đều nằm gần QL51. Việc vận chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp ở Long Thành, Nhơn Trạch đến cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều phải đi qua QL51. Trong khi đó hiện nay tuyến đường độc đáo này ngày càng chật hẹp, quá tải xe cộ gây lãng phí thời gian, trong khi đó chi phí vận chuyển xăng dầu tăng cao.

Ông Tuấn cho biết thêm cuối tháng 10/2021, đường 319 nối dài kết nối khu vực Nhơn Trạch đấu nối vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã mở thêm lộ trình mới cho khu vực các khu công nghiệp đi TP.HCM và ngược lại. Thế nhưng đường này cũng chỉ giải quyết một phần cho QL51 đoạn từ nút giao với cao tốc đến trước KCN Nhơn Trạch. Còn nếu đi về cảng Cái Mép – Thị Vải cũng phải theo QL51.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có rất nhiều cảng biển, cạnh đó là các khu công nghiệp hoạt động logistics phát triển mạnh mẽ. “Nếu sau khi đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành và thêm tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, cầu Phước An đưa vào khai thác tạo thành trục đường Đông – Tây. Khi đó sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Giao thông đi lại an toàn, thuận lợi nhận thấy lợi ích thiết thực, tôi tin rằng doanh nghiệp vận tải, logistics sẵn sàng lựa chọn đi cao tốc, chia sẻ trả phí đường bộ khi sử dụng”, ông Tuấn phân tích.

Quốc lộ 51 xuống cấp nghiêm trọng vì quá tải phương tiện

Quốc lộ 51 xuống cấp nghiêm trọng vì quá tải phương tiện

Cấp thiết làm cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu hơn bao giờ hết

Đồng quan điểm ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cho hay, tuyến QL51 đang quá tải nghiêm trọng, thường xuyên kẹt xe. Tình trạng kẹt xe kéo dài tại nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang là vấn đề đau đầu với chính quyền địa phương. Vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, Tết chỉ cần xảy ra một sự cố trên cao tốc hoặc trên QL51 sẽ gây kẹt xe kéo dài nhiều kilomet.

Để tạo thông thoáng giao thông, vừa qua UBND huyện đã có văn bản đề xuất, Ban ATGT tỉnh điều chỉnh lại thời gian lưu thông tại các nút giao thông (từ 2 số lên 3 số) cho phù hợp để tăng năng lực thoát xe. “Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đã có dự án nhiều năm trước, do đó việc sớm khởi công cao tốc này sẽ giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe, giảm TNGT trên QL51”, ông Tiếp nhấn mạnh.

Trao đổi với PV ông Võ Tấn Đức – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây dự kiến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu được đề xuất làm bằng nguồn vốn PPP (hình thức BOT). Tuy nhiên, do chưa tìm được nhà đầu tư nên chưa thể triển khai. Vừa qua Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc này cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sử dụng vốn phục hồi sau dịch Covid-19. Nếu được Uỷ ban Thường vụ quốc hội thông qua thì tuyến cao tốc này sẽ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

Để sớm khép kín vành đai liên vùng, Đồng Nai cũng đang phối hợp TP.HCM và các tỉnh trong vùng xúc tiến đầu tư các dự án khác. Riêng tuyến đường Vành đai 3, vừa qua TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh thống nhất đề xuất Trung ương thực hiện công tác GPMB. Trường hợp thiếu vốn, địa phương hỗ trợ vốn xây lắp hoặc nguồn vốn khác như đấu giá khai thác quỹ đất. “Hiện nay do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, tỉnh Đồng Nai đang xin cơ chế đấu giá đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông”, ông Đức cho hay

Vĩnh Phú

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh