“Cao bồi già” và triển lãm ảnh trên facebook
- Văn hóa - Giải trí
- 03:02 - 03/09/2020
"Không ai chụp ảnh hồ Gươm nhiều bằng tôi"
Sinh năm 1932, tại Hà Nội, trải qua mấy chục năm công tác trong các ngành quân đội, công nghiệp, giáo dục và Sở VH-TT Hà Nội. Khi nghỉ hưu, cụ Vinh lại dành hết thời gian cho sự say mê nhiếp ảnh của mình. Khắp dải đất hình chữ S đều in dấu bước chân cụ, nhưng trên hết vẫn là tình yêu với Hà Nội, nhất là với hồ Gươm. Tính đến nay, cụ đã sáng tác hàng nghìn tấm ảnh về hồ Gươm để lại dấu ấn trong lòng người yêu ảnh như: Ô quan Chưởng về đêm, Lạc vào cõi thiền, Cổ tự lên đèn, Đôi bạn bên hồ, Lộc vừng mùa thay lá…
Tôi được cụ hẹn gặp tại gốc cây gạo bên bờ hồ Gươm, nơi được cụ coi như "trụ sở" để tác nghiệp. Xấp xỉ tuổi 90, nhưng cụ Vinh rất nhanh nhẹn, chiếc máy ảnh luôn trong tư thế sẵn sàng. Dựng gọn chiếc xe đạp trên vỉa hè, khóa cẩn thận, cụ chỉ tay về phía chiếc ghế trống bên hồ bảo tôi ngồi, rồi vội vàng giơ máy ảnh về phía tháp Rùa say sưa ngắm. Dừng lại, mở tấm ảnh vừa chụp cho tôi xem, giọng cụ vui vẻ: "Có những khoảnh khắc diễn ra trong tích tắc, nếu ta không chớp lấy thì khó có cơ hội lặp lại".
Tháp Rùa, Cầu Thê Húc lung linh trong màn đêm. Ảnh: Nguyễn Tấn Vinh.
Cụ Vinh kể, gia đình vốn có nghiệp làm ảnh từ xưa nên khi về hưu, cụ mang máy ra chụp thử, đồng thời cũng là để "trả nợ" tình yêu của cụ với Thủ đô mà tuổi trẻ hằng mơ ước. Tuổi cao, sức khỏe có hạn, mắt cũng không còn tinh nhanh, nhưng cụ Vinh không ngại khó. Cụ tự mày mò lên mạng học kỹ thuật nhiếp ảnh, học photoshop, vào diễn đàn học cách đăng ảnh, trao đổi với các thành viên... dần dần tay nghề được nâng lên, trở thành người cao tuổi nhất và cũng nổi tiếng nhất của một diễn đàn nhiếp ảnh online.
Ngừng giây lát, chỉ vào chiếc xe đạp cũ kỹ bên gốc cây gạo, cụ kể: "Đó là người bạn đồng hành cùng tôi rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Trừ ngày mưa gió, đau ốm, còn lại cứ tầm 3 giờ 15 phút chiều là tôi đạp xe ra bờ hồ chụp ảnh. Mỗi ngày trung bình tôi chụp được 30 ảnh, những ngày Thủ đô có sự kiện thì số lượng phải lên tới hơn 400 ảnh. Người ta thường bảo hồ Gươm chỉ đẹp nhất vào mùa thu, nhưng với tôi, bốn mùa hồ Gươm đều có những nét đẹp riêng. Như khi mùa đông đến, cây cối rụng lá, trơ trọi, gầy guộc trong sương sớm, đầy bí ẩn đến mê hoặc. Sự bình dị của cảnh vật đến những mưu sinh của cuộc sống như người lượm rác, em bé khuyết tật bán hàng rong, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn cổ kính, tháp Rùa trầm mặc… đều lọt vào ống kính của tôi".
Chụp ảnh miễn phí, mở triển lãm trên... Facebook
Hồ Gươm, cuối ngày nhộn nhịp hơn vì nhiều người đi tập thể dục, cuộc trò chuyện giữa tôi và cụ luôn bị gián đoạn vì nhiều người đi bộ chào cụ với nụ cười thân thiện và cả những cái bắt tay của những… người xa lạ. "Chẳng xa lạ đâu, toàn người quen của tôi đấy, nhưng là quen trên… Facebook", cụ Vinh nói và nở nụ cười thân thiện.
Cụ Vinh cho biết, những người được cụ chụp ảnh miễn phí chiếm tới 95% là thanh niên, sinh viên, còn lại là người trung tuổi. Trong số này cũng có một số người nhờ cụ chụp, còn lại do cụ chủ động chụp. Không những chụp ảnh miễn phí mà cụ còn rất hiểu tâm lý người được chụp nên ngày nào cũng vậy sau bữa cơm tối, cụ lấy ảnh ra máy tính rồi vào photoshop để chỉnh sửa sau đó đưa lên trang Facebook cá nhân. Người nào thích thì vào lấy ảnh, hoặc để lại tin nhắn, bình luận về ảnh, cụ đều comment trả lời.
Ảnh trên trang Facebook của cụ Vinh.
Ngoài ra, thi thoảng cụ lại nhận được tin nhắn từ Việt kiều nhờ chụp lại những ngôi nhà, con phố, trường học ở Thủ đô gắn liền với kỉ niệm của họ. "Thế là tôi lại rong ruổi đạp xe qua các phố để chụp lại "kỉ niệm" rồi gửi sang cho họ. Mỗi lần như vậy trong tôi niềm vui lại lâng lâng, vậy là thêm một kỷ niệm nữa đã được tôi ghi lại bằng hình ảnh và sẽ còn lưu mãi với thời gian", cụ Vinh chia sẻ.
Gần 13 năm miệt mài sáng tác, sở hữu hàng vạn bức ảnh, nhưng cụ Vinh chưa bao giờ nghĩ tới chuyện làm riêng cho mình một triển lãm. "Cơ bản là tôi thích làm thứ nghệ thuật thuần túy và tự do, tôi chỉ đơn giản là muốn chia sẻ những gì mình có với mọi người", cụ Vinh chia sẻ.
Không mở triển lãm ngoài đời thực, nhưng cụ Vinh đã biến trang Facebook cá nhân thành một triển lãm online. Mỗi ngày, cụ đều đặn đăng lên hàng chục tấm ảnh ưng ý nhất và nhận hàng trăm, hàng nghìn lượt "like", bình luận của mọi người.
Trời tối dần, phố xá bắt đầu lên đèn, trước khi chia tay, cụ không quên chụp kỷ niệm cho tôi vài kiểu ảnh. Tuy thời gian chuyện trò không được nhiều, nhưng như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, cụ Vinh hướng dẫn tôi cách đo sáng, lấy nét, cách lấy điểm vàng, bố cục, thần thái nhân vật trong tấm ảnh khi bấm máy và dặn dò: "Các bạn trẻ không nên đốt cháy giai đoạn, muốn có một bức ảnh đẹp, có hồn, có chiều sâu phải kỳ công vất vả, thậm chí chụp đi chụp lại…".
Tôi hiểu rõ những điều cụ vừa nói, bởi đây cũng là lý do mà mỗi ngày cụ cố gắng chụp thật nhiều, không chỉ để trau dồi kỹ năng chụp ảnh mà như cụ nói: "Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều, nên tôi muốn chụp nhiều hơn nữa. Nó cũng là thú vui để tôi quên đi bệnh tật, tuổi tác. Nhưng trên hết vẫn là tình yêu của tôi với "trái tim Thủ đô", với Hà Nội ngàn năm văn hiến…".
Cụ Nguyễn Tấn Vinh chia sẻ: Để có những tháng ngày rong ruổi trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh, cụ đã có được sự đồng hành từ người vợ hiền là bà Phạm Thị Bích Hằng. "Bà ấy vừa là vợ, đồng thời cũng là một người bạn cùng có tình yêu với nhiếp ảnh như tôi. Công việc nhà một tay bà ấy lo liệu mà chưa một lần kêu ca. Ngày nào cũng thế, khi tôi về đến nhà, bà lại cùng tôi xem ảnh, nhận xét và chọn ra những tấm ảnh đẹp nhất để lưu giữ. Thực sự nghĩ về bà ấy tôi rất cảm động. Có lần thấy mấy chiếc áo khoác của bà ấy cũ rồi, tôi bảo đi mua chiếc khác, bà nói không có tiền trong khi lại tiết kiệm tiền để mua tặng tôi chiếc máy ảnh kĩ thuật số. Với bà ấy, mỗi ngày đợi chồng về rồi cùng nhau xem những bức ảnh chụp trong ngày, bỏ qua hết những lo toan, muộn phiền trong cuộc sống là điều hạnh phúc nhất rồi".