Canh thức biển trời cho Tổ quốc vào xuân
- Y học 360
- 19:40 - 04/02/2019
Kiêu hãnh nhà giàn. ảnh Đăng Huỳnh
Dâng hiến tuổi xanh cho muôn ngàn sóng biển
Xuân Kỷ Hợi, Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 có “thâm niên” 19 lần đón Tết ngoài biển, trong đó có 11 năm liên tục (từ 2011 đến nay) canh nhà giàn DK1 để đồng đội khác về bờ. Niềm riêng của vị Trung tá xốn xang khi hỏi tâm trạng lính xa nhà mỗi năm khi Tết đến xuân về. “Đã là lính thì phải chấp nhận hy sinh. Vẫn biết ngày Tết không được cùng vợ con vui vầy là thiệt thòi, nhưng nếu không có lính nhà giàn, ai là người bảo vệ biển đảo. 29 năm tuổi quân, 19 năm đón xuân trên biển, với tôi là bình thường. Lính nhà giàn là thế, ngại ngần chi gian khổ”, Trung tá Nam chia sẻ.
Quê gốc ở Hoằng Hóa ,Thanh Hóa, sau 3 năm học sĩ quan tại trường Sĩ quan Lục quân 2, Trung tá Nam được điều về Khung quản lý DK1 (tên gọi thời điểm năm 1994). Tháng 5/1995, chuyến hải trình đầu tiên của đời lính DK ra nhà giàn Phúc Tần làm nhiệm vụ, và đó cũng là năm đầu tiên anh “thưởng thức” cái Tết giữa ngàn khơi. Ngày ấy, nhà giàn DK1 chưa được phép tuyên truyền rộng rãi như bây giờ vì nhiều lý do khác nhau. Nhà giàn DK1 gọi là “Trạm kinh tế khoa học dịch vụ”, cán bộ chiến sĩ gọi là “cán bộ nhân viên”.
Đêm giao thừa, cũng như các chiến sĩ khác, Trung tá Nam nhớ đất liền đến nôn nao. Ngày ấy chưa có ti vi thu vệ tinh như bây giờ. Trước thời khắc thiêng liêng, 9 anh em quây quần xem băng video ca nhạc, nồi cá luộc me câu lên từ biển nóng hổi, ly rượu xuân nồng ấm, anh em cùng chúc mừng tuổi mới. Sau những phút giây gọi là “giao thừa” ấy, mỗi người về phòng riêng. “Lúc đó nhớ đất liền vô cùng. Hình ảnh bố mẹ già ở quê, đường làng, ngõ xóm ẩn hiện trong đầu, nhưng thực sự cảm giác rất kiêu hãnh. Cứ nghĩ đến ngày trở về đất liền, cảm giác nhớ đất liền lại vơi đi. Giờ thì quen rồi”, Trung tá Nam hồi tưởng lại.
Tưởng niệm các chiến sĩ DK1 hy sinh trên biển.
Tiếp nối thế hệ những người lính “già” của nhà giàn DK1, những chiến sĩ tuổi 18 đôi mươi xung phong ra nhà giàn làm nhiệm vụ sau 3 tháng quân trường. Có người bảo, đi nhà giàn khó khăn gian khổ, sao chịu nổi những lúc nhớ đất liền và thiếu thốn đủ bề. Nhưng không, những chàng trai đất Việt vừa rời ghế nhà trường vẫn xung phong ra tuyến đầu Tổ quốc. Dẫu vẫn biết nơi ấy cuộc sống không giống đất liền, khó khăn gian khổ, nhưng đó là lý tưởng, là ước vọng của tuổi trẻ muốn được cống hiến sức lực của mình.
18 tuổi đời, hơn một tuổi quân, hạ sĩ Bền Ngọc Đính ở phường Hiệp Phước, TP.Quy Nhơn, Bình Định ra nhà giàn DK1/16 làm nhiệm vụ với một lý do duy nhất: ra để thử sức mình. Những ngày Tết Kỷ Hợi, bạn bè của Đính học đại học về quê nghỉ Tết cùng gia đình, gọi điện bảo: “Ai bảo chọn con đường gian khó. Biển đảo vất vả sao vẫn đi?”. Đính trả lời: “Mỗi người có lý tưởng ước mơ riêng. Tôi ra nhà giàn vì tôi yêu biển đảo. Nếu Tổ quốc cần, đừng ngoảnh mặt đi. Tuổi trẻ cần phải cống hiến hơn là hưởng thụ.”
Chuyến hải trình đong đầy cảm xúc
Trên tàu Trường Sa 08 hải trình đem quà Tết cho các chiến sĩ nhà giàn DK1 cụm Phúc Tần, Quế Đường, Ba Kè, Huyền Trân, có lúc sĩ quan, thủy thủ và các phóng viên báo chí đoàn công tác số 2 “nghẹt thở” khi chứng kiến việc chuyển hàng quà Tết lên giàn bằng dây kéo, các chiến sĩ thay trực ngồi vào cái “rọ” chơi vơi trên sóng để các chiến sĩ trên giàn kéo lên. Theo lịch trình, tàu Trường Sa 08 chuyển quà và đón Tết sớm với chiến sĩ 10 nhà giàn, song chỉ lên duy nhất nhà giàn DK1/19.
Hình ảnh không thể nào quên khi nhiều sĩ quan, thủy thủ và phóng viên mắt đỏ hoe tay bám chặt vào thành tàu để chống sóng, mắt hướng về nhà giàn DK1 Phúc Tần, tai lắng nghe các chiến sĩ hát từ bộ đàm. Lời bài hát “Người chiến sĩ nhà giàn, vẫn kiên cường trong bão giông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xanh xá chi. Giữa biển khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó” nghe thấm vào gan ruột.
Niềm vui đi DK1. ảnh Đăng Huỳnh
Cảm kích trước tình cảm của các chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần, Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nói to trong tổ hợp: “Do sóng to gió lớn, đoàn công tác không lên được. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng gửi lời chúc Tết tới các đồng chí. Chúc các đồng chí sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “Vui xuân mới, chắc tay súng. Đất liền luôn bên cạnh các đồng chí”. Tất cả các phóng viên, các thủy thủ tàu Trường Sa 08 đều rất xúc động.
Phóng viên Ngọc Mẫn đến từ Đài Phát thanh truyền hình Kon Tum tâm sự: “Tàu và nhà chỉ cách nhau trăm mét mà không lên được vì sóng lớn. Có lúc tôi cảm giác thất vọng. Mãi đến nhà giàn DK1/19, mới lên được với các chiến sĩ. Khi đoàn làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ, tôi không cầm được nước mắt. Sự hy sinh của các anh không thể nói, viết hết được. Chuyến đi để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc.”
Sau 10 ngày chuyển quà Tết cho các nhà giàn, hai tàu Trường Sa 08 và Trường Sa 19 cập cảng Lữ đoàn 171. Trước khi về phố núi Tây Nguyên, chị Ngọc Mẫn bắt tay từng người lính có mặt xếp hàng đón tàu trên cầu cảng, và không quên ôm Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Tiểu đoàn phó quân sự DK1 nói lời cảm ơn đến Quân chủng Hải quân, Vùng 2 đã đưa đoàn công tác đến với các chiến sĩ DK1 tận đường biên Tổ quốc.
Phóng viên Ngọc Mẫn chia tay các chiến sĩ Hải quân trước khi về phố núi Kon Tum.
Ai đã từng ra nhà giàn DK1? Ai đã từng leo lên hệ thống cầu thang dốc cao chơi vơi trên sóng biển? Ai đã hòa vào tâm trạng những chiến sĩ DK nhớ nhà chiều 30 Tết? Ai đã chứng kiến lễ tưởng niệm các liệt sĩ DK1 hy sinh trên biển, và ai đã nghe câu chuyện lính nhà giàn 32 năm tuổi quân, 25 năm đón Tết giữa ngàn khơi…sẽ thấu hiểu được bản lĩnh, niềm tin và lý tưởng sống của những người ở nơi “đầu đội trời, chân không đạp sóng” ấy.
Tết ở nhà giàn DK1 không có hoa tươi, không được đi dưới tiết trời sương sớm, không được xem pháo hoa phút giao thừa, và không được quây quần bên người thân bữa cơm chiều 30 Tết. Song ở giữa đại dương bao la ấy có đầy đủ mứt ngọt, bánh chưng, măng miến, giò nạc như đất liền. Dù sóng to gió lớn, dù phải nén nỗi nhớ đất liền, bố, mẹ, vợ, con… các anh vẫn kiên cường, kiêu hãnh vững tay súng canh chủ quyền Tổ quốc cho nhân dân cả nước đón Tết yên bình.