THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:24

Cảnh giác với lừa đảo tuyển điều dưỡng, hộ lý sang Nhật

 

Nghề điều dưỡng, hộ lý đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe, yêu cầu phải có bằng đại học cao đẳng và trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế và trên mạng internet thường xuất hiện một số doanh nghiệp, cá nhân nhập nhèm quảng cáo, tư vấn tuyển chọn và thu tiền trái phép các học viên có nhu cầu đi XKLĐ các nghề này.

Có những doanh nghiệp còn sử dụng nhập nhèm chiêu trò đăng quảng cáo, tư vấn trên mạng, đăng tuyển điều dưỡng, hộ lý. Thậm chí có nhiều cá nhân tự xưng là đại diện của doanh nghiệp cho biết với chi phí 200 triệu đồng họ sẽ đảm bảo vừa đi học vừa làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, quảng cáo với người lao động mức lương rất cao.

 

 

Người lao động cần cảnh giác kiểm tra kỹ nguồn đăng tin cũng như đơn vị tuyển dụng lao động tại Nhật Bản.


Thông tin từ Phòng Công tác học sinh sinh viên của Trường Cao đẳng Y Hải Phòng cho hay, trước đây, đại diện Công ty cổ phần du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) đã đến nhà trường và đề xuất đưa sinh viên của nhà trường sang Nhật Bản làm nghề điều dưỡng. Tuy nhiên, khi trường tìm hiểu về hoạt động XKLĐ sang Nhật Bản thì được biết, duy nhất Cục Quản lý lao động nước ngoài mới có thẩm quyền đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Nhà trường đã thông báo đến các sinh viên ngừng ngay việc phối hợp với OSC.

Ngoài ra, tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cũng đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân đến trường giới thiệu muốn tuyển sinh viên sang Nhật Bản làm nghề hộ lý, điều dưỡng theo hình thức đi du học. Tuy nhiên, thông tin giữa việc đi làm nghề và du học khá nhập nhèm.

Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết: “Các đối tượng môi giới đang nhập nhèm thông tin tuyển điều dưỡng, hộ lý đi Nhật với hình thức du học. Theo đó, loại hình du học mục đích chính là đi học. Trong thời gian học, du học sinh được phép đi làm với thời gian nhất định theo quy định của Nhật Bản, việc đi làm còn phụ thuộc vào thời gian nghỉ phép giữa các kỳ học và thường là công việc “tay chân”, thu nhập thấp. Còn đối với nghề điều dưỡng, hộ lý thì không được phép làm nếu không có chứng chỉ nghề do phía Nhật Bản cấp”.

Ông Vũ Trường Giang – Trưởng phòng Nhật Bản, châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho hay, đối với nghề điều dưỡng, hộ lý, Nhật Bản mới cấp phép cho 3 nước (Indonesia, Philippines, Việt Nam). Nghề hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm.

 

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) là đầu mối duy nhất thực hiện chương trình tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản. (ảnh minh hoạ, nguồn internet).


Theo đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng đã được đệ trình Quốc hội và Hạ viện Nhật Bản nhưng vẫn chưa được hai Viện của Nhật Bản thông qua. Do vậy, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản. Vì vậy việc các công ty quảng cáo đưa sinh viên sang Nhật học và làm việc trong lĩnh vực này là không đúng sự thật và có dấu hiệu lừa đảo.

Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất triển khai chương trình tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm trợ lý và tham dự kỳ thi chứng chỉ nghề tại Nhật Bản.

“Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được thực hiện tuyển chọn thực tập kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản ngành nghề điều dưỡng. Đồng thời, Cục cũng đã có văn bản thông tin cho các cơ quan liên quan, nhất là các cơ sở đào tạo chuyên ngành điều dưỡng về việc trên, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng, thông tin sai sự thật để tiến hành tuyển chọn và thu tiền trái phép của người lao động” – ông Vũ Trường Giang khẳng định.

Trước những thông tin tuyển dụng gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tới chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật, Đức, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã gửi công văn tới Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Cục An ninh nội bộ (Bộ Công an) đề nghị phối hợp xác minh, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo PHƯƠNG NGÂN / congluan.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh