THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:54

Cảnh giác nguy cơ trẻ tử vong do hóc dị vật

Sự việc đau lòng xảy ra khoảng 18h ngày 19/5. Cháu Mai Huy K (SN 2018, trú thôn chợ Mõ, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) lấy quả vải để ăn. Trong khi ăn, không may cháu K bị hóc hạt. Phát hiện sự việc, người nhà lập tức đưa cháu bé đến cơ sở y tế để cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó, cháu K đã tử vong.

Theo các bác sĩ, hóc dị vật là tai nạn thường gặp phải ở trẻ nhỏ, việc xử lý không quá khó, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ cách sơ cứu cho trẻ. Thậm chí, việc sơ cứu sai cách có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cảnh giác nguy cơ trẻ tử vong do hóc dị vật - Ảnh 1.

Biểu hiện trẻ bị nghẹt đường thở.

Trong cuộc sống, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, thiếu kiểm soát của người lớn. Trẻ còn quá nhỏ, không phân biệt được đồ vật với thức ăn nên thường có thói quen cho những vật nhỏ vào miệng. Trẻ bị hóc do ăn các thực phẩm như xương cá, xương gà, các loại hạt cứng, quả có hạt như nhãn, vải, chôm chôm... Trẻ nhỏ thường thích ăn thạch rau câu, đây là loại thực phẩm mềm, trơn, dễ bị trôi tuột vào cổ họng khi chưa kịp nhai. Trẻ vừa ăn vừa chơi, khóc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị sặc, hóc thức ăn.

Việc phát hiện sớm tình trạng trẻ bị nghẹt đường thở do hóc dị vật là vô cùng quan trọng. Bố mẹ hay người chăm sóc trẻ cần cần nghĩ tới dị vật đường thở khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên có các biểu hiện như: Ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết khi dị vật đã được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không xử trí kịp thời trẻ có thể ngưng thở và tử vong ngay sau đó.

Cảnh giác nguy cơ trẻ tử vong do hóc dị vật - Ảnh 2.

Sơ cứu trẻ bị hóc dị vật.

Rất nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, khiến tình trạng của bé không giải quyết được mà còn nặng hơn, những cách sơ cứu sai thường gặp. Có phụ huynh cho tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Việc làm này có thể gây nguy hiểm cho trẻ, bởi dị vật có thể xuống sâu hơn, nếu dùng vật khác móc dị vật ra có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây xước niêm mạc họng.  Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều người thường vuốt ngực cho trẻ, tuy nhiên đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở. Thậm chí, một số người sử dụng mẹo dân gian như: Cho trẻ nuốt cơm, hoa quả...  có thể khiến trình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.

Để tránh trẻ bị hóc dị vật, theo các bác sĩ, người lớn hãy để các vật nhỏ tránh xa tầm tay trẻ em, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ và luôn chú ý trông chừng trẻ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. 

Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn. Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn. Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, đặt trẻ ở tư thế đầu thấp trên một cánh tay hoặc đùi của mình. Lấy ngón tay mở miệng của em bé mở ra và lấy gót bàn tay vỗ vào vùng giữa lưng của trẻ 5 lần vào chỗ giữa hai bả vai. Kiểm tra giữa mỗi lần vỗ xem trẻ đã hết tắc nghẹn chưa. Nếu tình trạng tắc nghẽn vẫn còn, lật ngửa trẻ lại, ấn ngực 5 cái bằng hai ngón tay ở 1⁄2 dưới xương ức. Mỗi lần ấn ngực, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa. Nếu trẻ vẫn bị nghẹn, hãy đập lưng bé 5 lần xen kẽ với ấn dứt khoát lên ngực bé 5 lần cho đến khi dịch vụ cấp cứu đến nơi.

Đối với trẻ lớn hơn, bảo đứa trẻ cúi người xuống và lấy ức bàn tay vỗ mạnh và dứt khoát ở chỗ giữa hai bả vai của trẻ. Trước khi vỗ tiếp, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa. Nếu vẫn chưa hết nghẹn, sau khi vỗ 5 lần hãy sử dụng phương pháp ấn ngực.

Đặt một bàn tay ở giữa lưng và đặt tay kia ở giữa ngực đứa trẻ. Lấy ức bàn tay đang đặt trên ngực, ấn ngực xuống 5 lần - tương tự như cách ấn ngực hồi sinh tim phổi (CPR) nhưng chậm hơn và dứt khoát hơn. Sau mỗi lần ấn ngực, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa. Nếu trẻ vẫn còn bị nghẹn, hãy gọi cấp cứu rồi thực hiện thao tác vỗ lưng 5 lần và ấn ngực 5 lần thay đổi nhau cho đến khi bác sĩ cấp cứu tới nơi.

Khi đã làm xong các bước sơ cứu, điều quan trọng là phải kiểm tra xem sự thông đường thở bằng cách xem cử động của lồng ngực và lắng nghe tiếng thở và cảm nhận hơi thở. Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật trẻ bị hóc được lấy ra thì vẫn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp phải ở trẻ nhỏ. Bố mẹ, người trông trẻ cần hết sức cảnh giác với những đồ vật xung quanh trẻ, nhất là những vật nhỏ, cứng, vì trẻ nhỏ có thể nhầm giữa đồ chơi và đồ ăn, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa, không la mắng khiến trẻ khóc khi ăn vì có thể gây sặc. Khi cho trẻ ăn thịt, cá cần loại bỏ hết xương để tránh gây hóc xương. Nếu trẻ không may bị hóc dị vật, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, gọi cấp cứu và trong thời gian chờ đợi thì áp dụng các biện pháp sơ cứu như hướng dẫn trên.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh