CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

“Cánh cửa thép Xuân Lộc” qua ký ức của một vị tướng

 

Tướng Doanh nhớ rõ từng khoảnh khắc chiến dịch Xuân Lộc. 

Xuân Lộc - “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn

Tỉnh Long Khánh nằm ở phía đông bắc cách Sài Gòn 85km, cách sân bay Biên Hòa 40km, nằm trên ba trục đường giao thông quan trọng là Quốc lộ 1A, Đường 15 và 20 với nhiều núi cao, rừng già, địa thế hiểm yếu cho hoạt động quân sự. Khi đi thị sát địa hình thị xã Xuân Lộc của Long Khánh, tướng Uây En (Tham mưu trưởng lục quân Mỹ) từng nhận định: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, nếu mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Còn Xuân Lộc, tuyến Biên Hòa - Nhơn Trạch - Bà Rịa - Vũng Tàu không bị uy hiếp, sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất vẫn còn hoạt động.

Vì thế địch đã tập trung một lực lượng lớn tại Xuân Lộc gồm Sư đoàn 18 bộ binh (sư đoàn chủ lực mạnh của Quân khu 3 ngụy), Lữ kỵ binh thiết giáp thứ 3, một bộ phận của Sư đoàn 5, các tiểu đoàn pháo trực thuộc với liên đoàn biệt động và cả Lữ đoàn dù. Ngoài ra chúng huy động sự hỗ trợ tối đa của không quân cho Xuân Lộc kể cả việc thả bom đặc chủng CBU.

Ngày 20/7/1974, tại miền đông Nam bộ, Quân đoàn 4 (QĐ4) ra đời được hợp thành từ các Sư đoàn bộ binh 7,9 và nhiều đơn vị dày dạn kinh nghiệm đã từng lập chiến công lớn. Thuộc quân số Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, tướng Nguyễn Ngọc Doanh khi đó làm Chính ủy Trung đoàn. “Tôi rất vinh dự là quân số của Trung đoàn 141, là đơn vị được QĐ 4 chọn diễn tập mẫu cho cán bộ quân đoàn tham quan, đánh trận then chốt của chiến dịch đường 14 Phước Long” – ông Doanh nhớ lại và không giấu niềm tự hào.

Những ngày tháng 4 trên đất Xuân Lộc.

Muốn đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn bằng cuộc hành quân thần tốc qua con đường số 1 và đường số 20, thì ta không thể không đánh chiếm và giải phóng thị xã Xuân Lộc. QĐ4 được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho đánh chiếm Xuân Lộc, nơi mà địch mệnh danh là “Cánh cửa thép bảo vệ Đông - Bắc Sài Gòn”. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, to lớn và hệ trọng. Một bên quyết thủ, một bên quyết thắng nên Xuân Lộc chắc chắn là chiến trường ác liệt và đẫm máu nhất trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh. 21 năm chờ đợi của cả dân tộc lúc này đang hướng cả vào bước chân oai hùng của những đoàn quân giải phóng.

Tháng 3/1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Sư đoàn 341 hành quân thần tốc bằng 500 xe vận tải theo đường Trường Sơn vào bổ sung cho QĐ 4. Hàng loạt đơn vị khác cũng lần lượt rời miền Bắc, rầm rập lên đường tiến vào miền Nam với xe tăng, thiết giáp, tên lửa bổ sung cho chiến trường. Sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chọn phương án tiến công trực diện vào đội hình phòng ngự của Sư đoàn 18 đóng tại thị xã Xuân Lộc. Ngày 9/4/1975, QĐ 4 bắt đầu tấn công giải phóng thị xã Long Khánh. Mọi diễn biến nhanh chóng ở chiến trường vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 được xuất phát từ quyết định mang tính lịch sử của Bộ Chính trị, ra lệnh cho Bộ Chỉ huy mặt trận phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất, giải phóng nhanh SG trước mùa mưa.

Chiến thắng và nỗi niềm sau ngày chiến thắng

Đúng 5 giờ 40 phút sáng 9/4/1975, ta tấn công Xuân Lộc, các trận địa pháo của Quân đoàn đồng loạt nổ súng. Chỉ trong ngày đầu tiên chiến đấu ta đã chiếm được một nửa thị xã và toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt trong thị xã và chia cắt đường số 1 từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Để tăng cường lực lượng phòng giữ Xuân Lộc, ngày 12/4 địch đã đổ thêm 1 lữ đoàn dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, tăng cường thêm lính thủy và lính bộ binh khiến ta gặp không ít khó khăn.

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn (Ảnh tư liệu của Hãng phim QĐNDVN).

Chiến dịch ở Xuân Lộc ngày càng diễn biến phức tạp, ta tiến công dồn dập, địch chống trả quyết liệt. Sáng 15/4, pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Cùng lúc bằng 5 trận vận động tập kích Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325 - QĐ 2) đã tiêu diệt và đánh tan chiến đoàn 52 ngụy ở khu vực ngã ba Dầu Giây. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt, đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng tới Dầu Giây ta đã làm chủ. Ngày 16 và 17/4, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 tiếp tục đánh tan 2 chiến đoàn 43 và 48 còn lại của Sư đoàn 18 ngụy và một bộ phận quân dù. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/4, chuẩn tướng Lê Minh Đảo đề nghị rút khỏi Xuân Lộc vì mất Dầu Giây là mất tụ điểm về sức sống của Long Khánh.“Đêm 20/4, trời mưa rất to, đó là cơn mưa đầu mùa, xối xả trút xuống dải đất miền Đông, địch rút quân khỏi Xuân Lộc. Đến rạng sáng 21/4, ta mới phát hiện, Bộ Tư lệnh QĐ 4 ra lệnh cho các đơn vị truy kích tiêu diệt địch và bắt sống được Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Thành.” Tướng Doanh nhớ rất rõ khoảnh khắc đó. Như vậy, 21/4/1975, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc của địch bị đánh sập, cánh cửa vào Sài Gòn đã mở toang, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta đồng loạt tiến vào dinh lý cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn từ mọi phía, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tướng Doanh cũng cho biết: “Thực ra khi bắt đầu chiến dịch Xuân Lộc, ta nhận định, địch đã mang tâm lý thất bại hoàn toàn. Sự cố thủ, đánh trả quyết liệt chẳng qua để che giấu sự hoang mang tột cùng của chúng. Chiến thắng là điều tất yếu sẽ  đến trong nay mai”.

Từ chiến thắng Xuân Lộc, có thể khẳng định việc mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc của Bộ Chính trị là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết trong thời khắc lịch sử rất quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi của chiến dịch chẳng những đập tan “cánh cửa thép” bảo vệ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà còn làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân ngụy càng thêm suy sụp. Hơn nữa, thắng lợi này đã góp phần nâng cao sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sỹ tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhớ lại không khí của những ngày chiến thắng lịch sử, mà mình là một trong những người trong hàng ngũ của đội quân giải phóng, trong mắt vị tướng già ánh lên nhiều cảm xúc hạnh phúc, xem lẫn tự hào. Nhưng khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh, giọng ông chùng xuống, nghẹn ngào, mắt rơm rớm: “Trong chiến dịch này, QĐ 4 có 460 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, 1530 đồng chí bị thương. Còn nhiều đồng đội của tôi nằm lại chưa tìm thấy. Và không biết có thể tìm lại được không bởi sự thay đổi quá nhiều về địa thế, địa hình. Chưa kể nhiều đồng chí không còn nguyên vẹn lúc hy sinh, rất khó xác định hài cốt của ai nếu tìm được. Nếu không có đồng đội thân yêu của mình chắc gì giờ này tôi đã được ngồi đây. Thế mà nhiều người vẫn còn nằm lại, thật đau lòng”.

Hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sỹ phía Nam, hơn 20 năm qua, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cùng đồng đội của mình đã tìm kiếm quy tập được 164 hài cốt liệt sỹ đưa về gia đình và nghĩa trang liệt sỹ các tỉnh. Đó vẫn là con số nhỏ so với hàng ngàn đồng đội nằm lại chiến trường. Ông cho biết, riêng trong trận Phước Long có 1063 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Con số này khiến ông trăn trở suốt bao năm và chỉ mong mình còn đủ sức khỏe để tiếp tục đưa đồng đội về với gia đình.

Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập ky, nhưng với những người lính, những gì họ đã  đi qua, có cả mất mát đau thương, có cả tình đồng đội ấm áp, những giây phút vào sinh ra tử... sẽ mãi mãi khắc ghi trong máu thịt của mỗi người lính. Tháng 4, lòng người lính lại nôn nao, nhiều cảm xúc lại về.

ĐINH HOA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh