THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:10

Cánh chim không mỏi giữa đại ngàn

 

Khát khao chinh phục tri thức của bác sĩ Hà Thúy là để bám trụ nơi hẻo lánh.

 

Hết mình vì người khác

Nhìn già làng Hà Long trầm mặc trong không gian cô tịch, trong ngôi nhà gỗ dưới chân đèo 723, bác sĩ Thúy nhói lên những ám ảnh mà mình từng trải qua. Ông bảo, tôi luôn sống trong nỗi thôi thúc lạ kỳ lắm. Không lý giải được, nhưng đó là cảm giác sợ đôi chân mình chạy chậm. Vì chạy chậm trên dốc đứng hay đường mòn vào buôn sâu có khi người bệnh nặng thêm, mình cứu không kịp. Con trai già làng Hà Long đã tử vong trên con đèo này vì tai nạn bởi... bác sĩ đến chậm.

10 năm trước, đèo 723 ngoằn ngoèo, nguy hiểm bậc nhất miền Trung. Gần 10 ngàn hộ dân ở 4 xã Yang Ly, Sơn Thái, Cầu Bà, Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh) vượt núi, luồn rừng đi lấy cây đót, đi trỉa bắp, trồng sắn…gặp nạn liên tục. Có những con đường bất kỳ phương tiện nào cũng không đi được, phải chạy bộ, giày dép bác sĩ Thúy phải đặt thợ đóng đế bằng cao su cứng, thật dày cho đá khỏi chọc tứa máu chân. Vừa khám bệnh, cứu chữa cho người dân, bác sĩ Thúy vừa luyện chạy, tìm và lưu lại trong trí nhớ tất cả các con đường tắt. Thời gian đầu chân phồng rộp, dần dần chai cứng luôn.

Không chỉ mấy chục năm trước mà đến giờ, bác sĩ Thúy vẫn giữ thói quen để sẵn lương khô và vài bộ quần áo trong ba lô. Ông bảo, sắp đến lễ 20/11/2017 rồi, sợ nhiều người đi du lịch gặp sự cố hay uống rượu quá đà ngộ độc hoặc đi xe không an toàn... nên mình phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng lao đến bất cứ địa điểm nào để chỉ đạo tuyến và trực tiếp cứu chữa. Mấy chục năm nay, ngày lễ, Tết chẳng mấy khi ở nhà. Có thời điểm liên tục đón ngày lễ trên đèo cao, trong buôn sâu cùng bệnh nhân. Đèo 723 là con đèo độc đạo nối liền Lâm Đồng với Khánh Hòa, Phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê lại nằm ngay chân đèo nên hàng ngàn khách du lịch đã được bác sĩ Thúy cứu chữa tận tình.

 

Tận tình thăm khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh.

 

Hiểu rõ tâm lý người dân (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số Rắc lây và T’rin) khi bệnh nặng mới tìm đến phòng khám, nên bác sĩ Thúy dặn các già làng nếu thấy trong buôn ai mệt mỏi thì báo ngay để ông tìm đến chữa trị kịp thời.

Ngược về những năm tháng ăn trên đèo, ngủ trong rừng, bác sĩ Hà Thúy bộc bạch, là người T’rin, từ bé tôi đã nuôi khát vọng làm bác sĩ cứu người. Năm 1993 tốt nghiệp y sĩ xong thì xung phong về công tác vùng hẻo lánh này. Có giai đoạn cao điểm dịch tả và sốt xuất huyết bùng phát, trong ba lô luôn có bạt ngủ rừng.

Năm 1995 có hàng chục lần băng bó, tiêm kháng sinh cho người dân ở các buôn sâu dọc đèo 723 xong mà vẫn thấy máu nhỏ xuống đất, bác sĩ Thúy mới tá hỏa vai mình cũng bị trầy xước do té ngã lúc chạy vượt đèo. Ông Cao Trung, từng làm cán bộ lâm trường ở Khánh Vĩnh nhớ nhứ in, bản thân tôi cũng được bác sĩ Thúy vượt đèo trong đêm để cứu chữa vì bị lâm tặc tấn công. Có những đêm đi tìm người dân để chữa bệnh đến mệt lả, bác sĩ Thúy nằm thiếp bên bìa rừng, chúng tôi đưa ông ấy lên xe chở gỗ đến các buôn làng khám chữa tiếp cho bà con. Gần 10 ngàn hộ dân ở phía tây huyện Khánh Vĩnh này chẳng ai xa lạ với bác sĩ Thúy.

Ám ảnh những tiếng kêu thảng thốt

“Hà Thúy cứu vợ tôi đi, nó không thở được nữa rồi, Hà Thúy cứu cha tôi đi, toàn thân tím tái hết rồi! Hà Thúy cứu con tôi đi, nó co giật rúm hết chân tay rồi...”, đó là giai đoạn 1995 - 2000, những tiếng kêu này liên tục dội vào tai Hà Thúy khiến nỗi trăn trở trong ông ngày càng lớn.

Ngước nhìn ra phía nghĩa trang huyện Khánh Vĩnh, Hà Thúy kể, ngày ấy gian khó lắm. Người dân chở bệnh nhân bằng xe trâu hoặc cáng bộ là chính. Có hôm đang băng bó, mổ ung nhọt cho hàng chục người trong phòng khám, nghe tiếng kêu thất thanh ngoài cổng, chạy ra thì thấy có vài người đang nguy kịch trên xe trâu rồi. Cứu chữa không nổi, đưa về trung tâm huyện cũng không kịp. Trình độ của mình khi ấy còn hạn chế, thiết bị phòng khám cũng vậy nên bệnh nhân bị sốt rét ác tính hay ngộ độc rượu đến phòng khám vài phút thì tử vong xảy ra liên tục. Có trường hợp ngộ độc rượu nặng, trước khi chết bệnh nhân còn bảo “Cứu tôi đi, từ nay tôi sẽ nghe lời Thúy không say xỉn nữa.”

Nhiều đêm ròng thức trắng, Hà Thúy nung nấu quyết tâm phải đi học nâng cao trình độ để xử lý nhiều tình huống khó hơn. Nhưng trước khi đi phải xoay chuyển tâm lý người dân để họ tự phòng tránh một số bệnh. Sau những giờ làm nhiệm vụ ở phòng khám, Hà Thúy miệt mài đến từng nhà tuyên truyền tác hại của việc uống rượu cồn quá nhiều, đừng ăn đồ sống mất vệ sinh, hãy đẻ ít và đưa trẻ đi tiêm phòng... Cứ đến 10 nhà thì 8 nhà đóng sập cửa lại, đuổi Hà Thúy đi. Họ bảo, rượu cồn cũng được cứ phải uống cho mềm môi, đẻ nhiều cho vui, không cần tiêm chủng, có bệnh thì tự khỏi, không tin Hà Thúy.

Không nản lòng, vào một đêm mưa như trút giữa năm 1996, khi biết có 3 đứa trẻ ở xã Yang Ly sốt cao do viêm phổi mà người dân vẫn chỉ cho uống nước lá cây, Hà Thúy tức tốc mang dụng cụ và thuốc đến, trước hàng trăm người T’rin, người Rắc lây, Hà Thúy chỉ vào ngực mình quả quyết; Tôi là người T’rin, trái tim tôi không biết nói dối, hãy tin y sĩ, bác sĩ. Hãy để tôi cứu người. 3 đứa trẻ thoát khỏi cơn co giật, lớn lên khỏe mạnh. Từ đó người dân bắt đầu tin Hà Thúy, đưa con đi tiêm chủng, biết diệt loăng quăng, biết vệ sinh nơi ăn, chốn ở.

 

Rảnh lúc nào bác sĩ Thúy lại đi tuyên truyền cách phòng chống bệnh cho người dân.

 

Một trong những bí quyết tuyên truyền phòng chống bệnh hiệu quả nhất mà bác sĩ Hà Thúy đúc rút ra đó là nắm vững lịch sinh hoạt và tâm lý của người dân. Phải “đột nhập” ban đêm hay giữa trưa thì mới đông đủ người ở nhà. Lúc ấy hiệu quả tuyên truyền mới cao được. Ông bảo, mình cứ mang tất cả lòng yêu thương và chân thật thì người dân sẽ thương mình mà bảo vệ sức khỏe của họ thôi. 

Chinh phục tri thức để bám trụ nơi hẻo lánh

Khi đã có được niềm tin của hàng chục ngàn hộ dân, năm 2002, Hà Thúy ra Đại học Y Huế học và lấy bằng bác sĩ đa khoa vào năm 2007. Về lại phòng khám, bác sĩ Hà Thúy lao vào nghiên cứu các phác đồ điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và dịch tả ở các xã vùng sâu huyện Khánh Vĩnh. Làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh cho người dân các xã phía tây huyện Khánh Vĩnh, mỗi ngày phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê đón hàng trăm bệnh nhân, nên Hà Thúy nảy ra sáng kiến huấn luyện cho gần 20 y tá, bác sĩ trong phòng khám cách tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch bệnh tại chỗ cho bệnh nhân. 

Dù đã có nhiều tiến triển tốt về cơ sở vật chất cũng như trình độ y, bác sĩ nhưng mỗi lần có bệnh nhân tai biến hoặc gặp sự cố đáng tiếc ở những nơi hẻo lánh, lòng bác sĩ Thúy lại day dứt khôn nguôi. Anh thổ lộ, biết sự học là vô cùng nhưng nếu mình nghiên cứu, chinh phục, thu nhận được càng nhiều tri thức thì mình càng chữa cho nhân dân tốt hơn. Vậy nên, ngoài việc tự mày mò nghiên cứu các đề án dập dịch tại chỗ, tôi còn học và hoàn thiện chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa I vào năm 2015. 

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh