THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Căng thẳng cuộc “chiến” giành thị phần của xe công nghệ

 

Trăm hoa đua nở

Ứng dụng đặt xe ôm qua điện thoại GrabBike chính thức có mặt ở Việt Nam từ tháng 2/2016. Khu vực hoạt động của các tài xế GrabBike trải rộng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa… Tính đến tháng 4/2018, Grab đang có hơn 135.000 tài xế hoạt động. Riêng trong năm 2017, số lượt tải ứng dụng Grab tăng gấp 2,5 lần, số thành phố mà Công ty đặt chân tới tăng gấp 5 lần, số lượng đối tác tài xế tăng gấp 4 lần…

Là một hãng taxi truyền thống, từ giữa tháng 11-2017, Mai Linh thành lập Trung tâm xe công nghệ, thu hút các tài xế. Sau thời gian tham gia thử nghiệm thị trường xe công nghệ, dịch vụ đặt xe ôm công nghệ này đồng loạt ra mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Đến nay, Mai Linh đã thu hút hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu của Mai Linh là 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.

Sau sự rút lui của Uber tại thị trường Việt Nam vào tháng 3/2018, thì ngay lập tức Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (FUTA) cho biết đã đầu tư 100 triệu USD, tương đương khoảng hơn 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng Vivu để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ và đổi tên thành Vato, cạnh tranh trực tiếp với Grab. Theo đó, với ứng dụng Vato, Phương Trang có các dịch vụ Vato car (dịch vụ taxi), Vato bike (dịch vụ xe ôm), Vato ship (dịch vụ giao chuyển). Đây cũng là ba dịch vụ mà Grab đang khai thác. Vato hoạt động ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tính đến tháng 5/2018, Vato hiện có 24.000 tài xế.

 

Cuộc chạy đua khốc liệt giành thị phần và tài xế của các hãng xe công nghệ tại Việt Nam.

 

Vào tháng 6/2018, ứng dụng gọi xe thông minh Aber do nhóm kỹ sư người Việt du học tại châu Âu phát triển đã chính thức ra mắt. Theo ông Nguyễn Bình, người sáng lập Aber, dù ra đời trong bối cảnh mà những ứng dụng công nghệ khác đã nắm phần lớn thị trường nhưng Aber tự tin sẽ tồn tại và mang lại thêm một sự lựa chọn cho khách hàng. Hiện nay, dịch vụ Aber đang được triển khai ở thị trường ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Đặc biệt, Chiều 12/9, Công ty Thương mại Công nghệ Go-Viet (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) đã chính thức ra mắt ứng dụng đa dịch vụ với tên gọi Go-Viet tại thị trường Hà Nội. Theo đó, Go-Viet sẽ cung cấp dịch vụ gọi xe hai bánh (còn gọi là "xe ôm") theo yêu cầu Go-Bike và dịch vụ giao hàng theo yêu cầu Go-Send tại Hà Nội.  Tại sự kiện, ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek cho hay chỉ sau hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM.

Trước đó, ứng dụng gọi xe ô tô FastGo cũng đã chính thức ra mắt tại Hà Nội hồi đầu tháng 6, đặt mục tiêu cạnh tranh trực diện với Grab với 20.000 tài xế trong 2 năm tới, mở rộng ra 8 thành phố tại Việt Nam. Ứng dụng này được phát triển bởi tập đoàn NextTech, một doanh nghiệp thuần Việt.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Ngay sau khi gia nhập thị trường xe công nghệ tại Việt Nam, FastGo và Go-Việt đã sử dụng triệt để công thức được xem là “tuyệt chiêu” với thị trường Việt là “cho không” và kêu gọi người dùng và tài xế với khẩu hiệu: “Người Việt dùng ứng dụng Việt.

Ngay tại lễ ra mắt, Go-Viet cũng tung ra chương trình khuyến mãi dành cho người dùng tại Hà Nội với giá cước chỉ 1.000 đồng/cuốc xe, áp dụng cho các cuốc xe Go-Bike dưới 6 km. Đây là mức giá cước khuyến mại thấp hơn mức 5.000 đồng/cuốc xe mà Grab đang áp dụng tại cùng thời điểm tại Hà Nội; còn FastGo với dịch vụ FastBike đã triển khai tại Hà Nội và TPHCM cũng tung ra cả chục nghìn suất 0 đồng cùng với tặng mã khuyến mãi, tặng tiền cho khách hàng...

Ngoài ra, Go-Viet và FastGo còn áp dụng chế độ thưởng khá hậu hĩnh cho các tài xế chạy nhiều cuốc/ngày giúp các tài xế có thu nhập 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí hơn 1 triệu đồng mỗi ngày. Những cuốc xe 0 đồng của FastGo và 5.000 đồng của Go-Viet đang thu hút người dùng đến với hai thương hiệu này càng giúp cho giới tài xế có thêm cơ hội được thưởng. Đơn cử FastGo, tài xế chạy từ 5-20 cuốc/ngày sẽ được thưởng từ 50.000-400.000 đồng. Cùng với chính sách không thu chiết khấu %, tài xế FastBike chạy 20 chuyến/ngày có tổng thu nhập có thể lên đến gần 2 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, Go-Viet đưa ra chính sách thưởng 220.000 đồng/ngày cho những tài xế thực hiện được 13 cuốc xe/ngày.

Trước hàng loạt chiêu khuyến mại của “đối thủ”, mới đây Grab tung chương trình đồng giá 3.000 đồng/5km nhưng không áp dụng đại trà mà dành cho khách hàng nhận được tin nhắn, và cũng chỉ áp dụng từ 16/8 đến 19/8. Các chương trình của Grab không còn đăng tải trên web mà trực tiếp gửi đến điện thoại cho khách hàng.

Grab đã tung chiêu khuyến mãi trở lại và coi đây là chương trình hấp dẫn nhất chưa từng nhưng chỉ dành cho Grab bike (thị phần mà Go-Viet đang triển khai), và nếu tài xế chạy 10 chuyến trong tuần với sẽ được nhận thêm 5% doanh thu. Nghĩa là tài xế đang chịu mức chiết khấu 28,6% thì nay sẽ chỉ còn 23,6%. Nhưng nếu chạy lên tới 30 cuốc/tuần sẽ được hưởng thêm mức chiết khấu là 8%, nghĩa là từ 28,6% xuống còn 20,6%. Đặc biệt chạy 60 chuyến/tuần mức chiết khấu sẽ là 18,6%.

 

Sự ra đời của tân binh "Go - Viet" khiến thị trường xe công nghệ càng thêm khó khăn.


Đồng thời, Grab cũng thông báo tăng mức thưởng từ 220 ngàn đồng/300 ngàn đồng đối với tài xế khi chạy 18 cuốc/ngày. Cùng với đó Grab tung ra chương trình từ 28/8-3/9 được ưu đãi 25.000 đồng/4 chuyến đi. Nếu chiến lược của Go-Viet công bố chính sách, khuyến mại rộng rãi... thì Grab lại khá âm thầm, không đăng chính thức trên web nhưng thông báo đến các tài xế và khuyến mại trực tiếp bằng tin nhắn đến khách hàng.

Bình luận về vấn đề này PGS –TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính sách giá tốt là yếu tố quan trọng nhất để các hãng thu hút và thắng trong cuộc đua giành thị phần, nhưng giá tốt thôi chưa đủ, cần phải có thêm hai yếu tố nữa là dịch vụ tốt và tiện lợi. “Thị trường gọi xe công nghệ đang bước sang một trang mới với nhiều màu sắc, phong phú dịch vụ và cạnh tranh quyết liệt về thị phần. Ở đó, ai có giá tốt, dịch vụ tốt sẽ giành phần thắng” – ông Long nhấn mạnh.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh