THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

Càng khó khăn, càng giữ nếp học hành

Câu chuyện tình của hai người giao liên

Được Hội khuyến học xã Đô Lương giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Vương Đức Thắng thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.  Ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Thắng rộng rãi khang trang, được chia  ra từng phòng có gắn biển số đỏ chót.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Thắng cười hóm hỉnh, giải thích: “Nhà có 8 người con nên đến nay tổng cộng cả con, cháu, dâu, rể là gần 20 người. Các anh, chị ấy đều công tác ở xa, người thì Hà Nội, Hà Giang… Mỗi năm chỉ vào những dịp nghỉ Tết mới về được đông đủ. Có đủ chỗ sinh hoạt cho mọi người, nhà phải thiết kế như vậy để không ai về nhầm phòng”.

Hồi ức về những ngày đầu ông, bà gặp nhau, ông Thắng cho biết, giai đoạn năm 1950 - 1954, thực dân Pháp thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, địch chiếm đóng vùng tự do mở rộng địa bàn cắm bốt lập tề. Quân Pháp đánh vào Thái Bình bằng 3 mũi tấn công. 2 ngày địch đánh vào sâu vào lãnh thổ Thái Bình. Đến ngày 11/2/1950  Pháp tấn công làng Phú La với 200 lính lê dương tinh nhuệ có phi pháo yểm trợ. Ngày 24/2/1952, xe bọc thép, xe lội nước, xe tăng với hàng chục máy bay rải xuống làng Tiến Trật hàng chục quả bom và dùng pháo bắn hàng trăm quả đạn làm chết người, súc vật, tàn phá hàng trăm mẫu lúa, tàn phá thiêu cháy hàng trăm nóc nhà.

Ngay sau khi đánh lui trận càn ngày 24/2/1952, chi bộ ra nghị quyết giữ làng kháng chiến, quyết tâm bám đất, bám làng, cán bộ bám dân để xây dựng xã an toàn. Phong trào đoàn thể được củng cố, lực lượng dân quân du kích tiếp tục phát triển không ngừng, thành lập một trung đội chủ lực với 42 đội viên, 3 tiểu đội du kích với 39 đội viên, 3 trung đội dân quân với 108 đội viên.

Khi phong trào đoàn thể phát triển mạnh, năm 1953, ông Thắng đang còn là học sinh đã rời mái trường tham gia đội dân quân du kích thôn Tiến Trật. Hàng ngày ông tham gia lao động sản xuất, nhưng tối đến ông lại vượt qua các con sông đến bốt Cầu Sa, bốt Mễ, bốt Rý, bốt Cầu Nguyễn nắm bắt tình hình địch kịp thời báo động để nhân dân sơ tán, thông tin để bộ đội ta kịp thời ứng phó. Hàng chục chuyến đưa thư, làm công tác liên lạc, nhiều lần gặp giặc đi tuần, nhưng chưa bao giờ ông bị chúng nghi ngờ.

“Lần nào tôi cũng thành công, chưa bao giờ bị lộ hay thất lạc thư tín” – ông Thắng tự hào kể.

Cũng chính tháng ngày làm giao liên, ông Thắng đã biết bà Nguyễn Thị Luyện (vợ ông bây giờ) bởi tinh thần quả cảm kiên cường vượt những con sông lớn kịp thời thông báo cho bộ đội chủ lực và người dân phá tan âm mưu phá hoại cơ sở cách mạng Đô Lương. Từ chỗ quen biết, cảm phục cho đến thương thầm nhớ trộm rồi đám cưới hai người đã diễn ra.

Đói cơm no cái chữ

Sau khi ông Thắng, bà Luyện cưới nhau lần lượt tám người con ông bà được sinh ra. Hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhà lại đông con nên có bất kỳ công việc gì ông đều nhận về gia đình mình làm. Ông Luyện tâm sự: “Ngày ấy mọi công việc sản xuất nông nghiệp đều tính theo công điểm. Cứ 10 điểm là được một công và một công đổi được 1 cân thóc. Nhà người ta nhận khoán cho hợp tác xã chỉ vài sào ruộng nhưng với gia đình tôi việc gì tôi cũng nhận gấp 2- 3 lần người khác. Đứa lớn làm việc lớn, đứa nhỏ làm việc nhỏ. Tám đứa con, ngoài giờ đi học, về nhà phải phụ giúp gia đình nuôi lợn, chăn trâu, gà vịt để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Vất vả vậy nhưng con cái vẫn không có đủ cơm ăn, bữa nào cũng phải độn thêm khoai, sắn”.

Hình ảnh minh họa phiếu đổi lương thực

Nhưng dù cho cuộc sống đầu tắt mặt tối với công việc nhà nông, ông bà vẫn luôn tâm niệm sẽ không bao giờ để các con thất học. Mặc dù căn nhà nhỏ bé chật chội nhưng ông Thắng vẫn luôn giành cho các con một góc học tập có bàn ghế, đèn dầu, bảng đen tốt, đủ sách vở để các con học tập. Ngoài thời gian học tập trên lớp, phụ giúp gia đình, khi hết việc, bà Luyện lại thúc giục các con ngồi vào bàn học.

“Dần dà trở thành cái nếp, những lúc không phải phụ giúp bố mẹ việc nhà là anh em tự giác bảo ban nhau học tập, tôi không phải thúc giục nữa” - bà Luyện nói.

Nhớ lại thời gian những đứa con lần lượt bước chân đi học đại học, trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn, ông tâm sự: “Khi nghe tin con mình đỗ đại học, gia đình tôi ai nấy đều rất vui mừng, nhưng cái mừng chưa qua đi thì cái lo lại ập đến, lo rằng không biết lấy gì để lo cho con ăn học trong suốt bốn, năm năm ở trường. Vậy mà, đứa lớn chưa học xong, lại tiếp tục những đứa sau bước chân vào đại học. Niềm vui và hạnh phúc bao nhiêu cũng là khó khăn vất vả nhân lên bấy nhiêu. Đã có lúc gia đình ông phải bán đi những gì có thể, bán từng con trâu, con bò cho đến con gà, con lợn, từng tạ lúa, để có tiền cho con ăn học.

 Không phụ công nuôi dạy của cha mẹ, những người con của ông bà dưới bàn tay chăm sóc dạy bảo, giờ đã trưởng thành: Người con trai thứ hai là anh Vương Đức Bàn hiện là Đại tá, Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Hà Giang; anh Vương Đức Tho, Trung tá, Trưởng công an huyện Quang Bình, Hà Giang; anh Vương Đức Thấu hiện đang công tác tại Viện KHCN Bộ Quốc Phòng; anh Vương Đức Thiết là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang; anh Vương Đức Thi hiện là Trưởng một cửa hàng xăng dầu tại Hà Giang…

Tâm sự về những thành quả của những người con có được ngày hôm nay, ông Thắng chia sẻ: “Tôi lớn lên trong gia đình nghèo, hoàn cảnh đất nước chiến tranh,  cuộc sống vất vả. Nguyện vọng của vợ chồng tôi là phải cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Dù có đói ăn, đói mặc nhưng các con phải được học hành. Đến nay,  với sự nỗ lực của vợ chồng tôi, sự hiếu học của các con, trong tổng số gần 20 người con cháu chắt, thì hơn một nửa có bằng cử nhân, thạc sĩ”.

Khi chúng tôi hỏi ông Thắng về kinh nghiệm nuôi dạy con, ông Thắng trìu mến nhìn người bạn đời và bộc bạch rằng tất cả công lao lớn nhất thuộc về bà Nguyễn Thị Luyện, người vợ, người mẹ đảm đang, có tư tưởng tiến bộ đã giúp gia đình vượt qua những khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc với những người con hiếu thảo, chăm ngoan, thành đạt.

Các con thành đạt, lập nghiệp ở xa, giờ đây vợ chồng ông bà sống cảnh vợ chồng son với những niềm vui giản dị thường ngày.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh