Cảng cá lớn nhất miền Trung: Giá cá rớt thê thảm sau vụ Formosa
- Huyệt vị
- 14:16 - 04/07/2016
Giá cá lao dốc không phanh
Sáng ngày 3.7, tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), tàu thuyền các tỉnh, miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi… vẫn ra vào như những ngày bình thường nhưng không khí có phần trầm lắng hẳn đi.
Anh Trần Đình Chiêu, chủ cặp tàu QNg 97600, 97601 (Quảng Ngãi) trở về sau chuyến đánh bắt hơn 20 ngày từ vùng biển Hoàng Sa vừa cập cảng Thọ Quang bán hải sản cho hay, cặp tàu của anh đánh bắt được gần 40 tấn hải sản các loại. Trong đó chủ yếu là cá nục. Tuy nhiên, vào bờ giá hải sản giảm mạnh khiến anh rất buồn vì chỉ đủ bù tổn phí.
Tàu ĐNa 90521 tiếp nguyên nhiên liệu chuẩn bị ra khơi dù chuyến biển mới nhất đã bị lỗ. (ảnh Đình Thiên).
“Tính ra lượng hải sản đánh bắt cũng được không phải là ít nhưng bán chỉ có được gần 400 triệu. Trừ tiền bạn đã ứng trước khi đi và tổn phí như xăng dầu, đá, thực phẩm…tôi không dư đồng nào cả…”, anh Chiêu buồn bã nói.
Anh Chiêu cũng cho biết, trước khi đi chuyến này, anh cũng lường trước được giá hải sản vẫn đang thấp do ảnh hưởng của việc cá chết bất thường hơn 2 tháng trước nhưng anh không thể ngờ giá cá lại giảm sâu như vậy.
Còn anh Nguyễn Văn Na, thuyền trưởng tàu ĐNa 90521 (Đà Nẵng) thì cho biết, chuyến biển gần 1 tháng của tàu anh đã bị lỗ gần 100 triệu đồng do giá cá nục rớt xuống thê thảm.
“Trước khi đi chuyến này, cá nục có giá 13-17.000 đồng/kg, giá này đã thấp hơn nhiều so với năm ngoái nhưng tôi không ngờ hôm nay giá cá rớt xuống 7.000 đồng/kg. Cá nục đẹp cũng chỉ có giá hơn 10.000 đồng/kg. Cả tàu hơn 20 tấn cá nục nhưng chỉ bán được 140 triệu đồng, lỗ hơn 100 triệu rồi…”, anh Na than thở.
Câu chuyện của anh Chiêu và anh Na cũng là tình trạng trạng chung của hàng trăm tàu thuyền tại các tỉnh miền Trung ra vào cảng cá Thọ Quang để bán hải sản 2 ngày hôm nay.
Tuy nhiên, khi được hỏi, tất cả các chủ tàu đều cho biết sẽ tiếp tục ra khơi dù họ biết sẽ không có lời thậm chí lỗ hàng trăm triệu.
“Chúng tôi vẫn cho thuyền ra biển đánh bắt vì nằm bờ chắc chắn chết đói và không thể giữ bạn thuyền vốn đã rất khó tìm kiếm mấy năm nay. Ra khơi mong đánh bắt được nhiều, chờ cho biển được làm sạch hơn và giá ổn định trở lại…”, ông Lê Văn Nhắn, chủ tàu ĐNa 91789 (Đà Nẵng) chia sẻ.
Cần khoanh vùng, cấm biển nếu còn độc?
Tàu thuyền đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn thì trong bờ các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh hải sản cũng điêu đứng.
Ông Lê Mến, chủ cơ sở thu mua hải sản Mến Hương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, sau hơn 2 tháng bị ảnh hưởng bởi vụ cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung thì giá hải sản ở cảng cá Thọ Quang đã có nhích lên một phần. Các doanh nghiệp, tiểu thương đang từng bước tìm cách thích ứng với thị trường trở lại.
Theo ông Mến, “2 tháng nay, chúng tôi chủ yếu thu mua hải sản đánh bắt xa bờ để bán ra thị trường. Hải sản gần bờ chúng tôi thu mua ít vì người tiêu dùng không tin tưởng lắm. Tuy nhiên, hiện nay không còn ai mua hải sản gần bờ nữa.”
Ông Mến cũng cho biết, hiện thị trường tiêu thụ ở các chợ gần như đứng yên. Tiểu thương buôn bán ở thị trường này cũng không còn ai xuống cảng thu mua hải sản.
Anh Lê Văn Sang, Giám đốc HTX thuỷ sản Hải Nhi (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, “mùa này đang trúng vào mùa cá nục. Các loại cá gần bờ như cá nục bông…rất khó bán vì người dân e ngại. Doanh nghiệp giờ chủ yếu kinh doanh thị trường xuất khẩu còn khu vực nội địa xem như bỏ trắng…”.
Theo anh Sang, nếu tình trạng này để lâu thì ngư dân không đủ sức chịu đựng, sẽ có rất nhiều người bỏ biển.
“Hiện, cần các cơ quan chức năng công bố nước biển còn độc hay không? Nếu có thì ở vùng biển nào và phải cấm biển vùng đó không cho đánh bắt. Phải làm như vậy thì người dân mới tin tưởng ăn hải sản trở lại được”, anh Sang đề xuất.