Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN phải xử lý nghiêm
- Bài thuốc hay
- 13:03 - 31/03/2020
Khi xảy ra TNLĐ, không ít các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động tìm mọi cách che lấp, không thông báo cho các cơ quan chức năng, tự thỏa thuận bồi thường không theo luật định, dẫn đến thiệt thòi cho người lao động. Theo thống kê của Cục An toàn lao động, báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ TNLĐ làm 8.327 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Đa số các vụ TNLĐ xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí…
Về nguyên nhân, trên 46% vụ TNLĐ là lỗi từ phía người sử dụng lao động do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ. Hơn 18% vụ TNLĐ do lỗi của người lao động. Hơn 35% những vụ còn lại là do các nguyên nhân khác. Điểm chung, đó là do lỗi vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn; không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn; người lao động chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động; người lao động không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động… Người sử dụng lao động chưa làm tốt việc thường xuyên tự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và nguy cơ rủi ro gây ra TNLĐ; đặc biệt là việc sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn lao động hoặc không có thiết bị an toàn, không xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo…
Để bảo đảm đời sống của những người lao động bị TNLĐ hoặc BNN khi suy giảm hoặc mất sức lao động, căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn vệ sinh lao động, từ ngày 1/7/2016, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng 1% trên quỹ tiền lương tháng của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ngoài ra, người lao động khi bị TNLĐ và BNN sẽ được hỗ trợ khám bệnh nhằm phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc BNN, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Vì vậy, trong khoảng thời gian kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc, người bị BNN sẽ vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định mới. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện theo quy định và mất ít nhất 5% khả năng lao động do bị tai nạn lúc đang làm việc thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng trợ cấp tương đương 5 tháng lương tối thiểu chung. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động thì được hưởng thêm 0,5% tháng lương tối thiểu chung.Với những trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, suy giảm 30% khả năng lao động được hưởng 30% mức lương tối thiểu chung. Sau đó, cứ mỗi 1% khả năng lao động bị suy giảm thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung. Cả 2 diện trên ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Nếu tham gia đóng từ 1 năm trở xuống, mức hưởng được tính bằng 50%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 30% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Nếu người lao động đang làm việc bị chết do TNLĐ, BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài ra, người lao động bị TNLĐ mà không phải do lỗi của người đó; bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì người sử dụng lao động phải bồi thường theo quy định.
Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ Luật BHXH sang Luật ATVSLĐ và việc thu, chi vẫn do cơ quan BHXH thực hiện. Nhưng theo báo cáo của cơ quan BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH tại các tỉnh thành diễn ra ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng về số đơn vị, số tiền nợ.
Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành là 16.875 tỷ đồng (trong đó, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 6.803 tỷ đồng). Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế có nhiều, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế của chủ sử dụng lao động chưa tốt, cùng với đó, nhận thức của chính người lao động về các chính sách bảo hiểm cũng chưa đầy đủ nên còn có những trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế.
Trước tình trạng trên, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất ngiệp, bảo hiểm TNLĐ, BNN cần được xử lý kịp thời và có tính răn đe để chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.