Cần ưu tiên nguồn vốn cho địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số
- Dược liệu
- 14:45 - 23/05/2022
Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng tăng.
Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 23.978 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến cuối tháng 5/2022 đạt 27.785 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay là 3.083 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm. Qua quá trình triển khai, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Trị.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn vẫn còn hạn chế do các đối tượng thuộc diện nghèo tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tập trung cao theo hướng sản xuất đồng bộ trên từng địa bàn xã hoặc vùng. Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, nguồn vốn hỗ trợ ít…
Ông Nguyễn Tân Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng các dân tộc. Vì vậy, Chính phủ cần ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống của đồng bào giữa các vùng miền trong cả nước. Các sở, ban, ngành ở địa phương cần tiếp tục, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất….
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương khu vực miền núi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực miền núi giai đoạn 2016-2021 ở mỗi địa phương; xác định vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực, hiệu quả giai đoạn 2022 -2025 góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững...
Đây là nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tập trung nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng các Đề án cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Lắng nghe ý kiến các đại biểu, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng nêu ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt trong thời gian tới như đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực để NHCSXH đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt cùng tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giám sát; phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã, tạo động lực thi đua thực hiện tốt hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.