Cẩn trọng với kiến ba khoang đầu mùa mưa
- Y học 360
- 17:08 - 29/06/2020
Trao đổi với PV, TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết trong vài tuần qua, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận những bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Ông Trần Đăng Khoa, Phụ trách khoa Ký sinh trùng, côn trùng - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng cứ vào đầu mùa mưa, kiến ba khoang bắt đầu sinh sản. Loại kiến này có cánh nhỏ trên lưng và bay theo hướng gió vào nhà. Người dân khi gặp kiến ba khoang thì đừng giết làm trây dịch trong kiến ra, dễ dính vào da gây tổn thương.
Các chuyên gia khuyến cáo khu vực có kiến ba khoang nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngăn kiến ba khoang vào trong nhà bằng việc sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào, nên ngủ trong mùng, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà; xịt hóa chất diệt côn trùng ở cửa sổ, cửa ra vào; mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng...
Theo TS-BS Hào, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin - độc tính gây bỏng. Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ có dạng đường, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân…
Nếu độc tố dính vào tay, nhưng không rửa sạch ngay thì vô tình sẽ làm độc tố dính vào các vùng khác trên cơ thể. Việc điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó, nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.