CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Cẩn trọng “bẫy” việc làm thời vụ cuối năm

Nhu cầu việc làm thời vụ tăng cao

Cuối năm là dịp nhiều công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh đang bước vào đợt cao điểm của hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ dịp cận Tết tăng cao.

Trong khi đó, dịp giáp Tết cũng là thời điểm nhiều lao động tìm kiếm các việc làm thời vụ để đó thêm thu nhập. Đặc biệt, với sinh viên tại nhiều trường Đại học được nghỉ khá sớm, cũng bởi vậy mà các bạn trẻ tranh thủ thời điểm này để tìm việc làm thêm, kiếm tiền về quê ăn Tết.

Những ngày này, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhộn nhịp người đến tìm việc làm thêm dịp cuối năm để kiếm tiền tiêu Tết.  Nhiều lao động trong đó chủ yếu là các sinh viên đã tìm đến các văn phòng tuyển dụng hay qua thông tin trên các trang mạng xã hội…

Lao động tìm kiếm các việc làm thời vụ cần đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín

Nguyễn Thị Mai Lan, sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, cô vừa tìm kiếm được một công việc thu ngân tại nhà hàng với mức lương tính theo ca là 50.000 đồng/h. “Tuy công việc bận rộn nhưng thời gian làm việc linh hoạt, mức lương hợp lý. Em sẽ làm đến ngày 29 Tết mới nghỉ để có tiền sắm Tết”.  Mai Lan cho biết, không chỉ cô mà rất nhiều bạn bè khác cũng đang tìm kiếm những công việc làm thời vụ những ngày cuối năm.

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doạnh, kéo theo nhu cầu việc làm thời vụ tăng cao từ 5 – 10%. Ngay từ tháng 11 âm lịch, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các lao động thời vụ có thể dễ dàng tiếp cận.

Cẩn trọng 'bẫy' tuyển dụng việc làm

Trong khi nhiều lao động tìm được công việc thuận lợi thì không ít sinh viên, người lao động khác lại rơi vào “bẫy” tuyển dụng việc làm bởi các đơn vị, cá nhân làm ăn bất chính. Lợi dụng nhu cầu việc làm của người lao động, nhiều đối tượng đã 'giăng bẫy' tuyển dụng việc làm khiến người lao động tin theo, đi làm nhưng chậm hoặc không chịu trả lương, mất phí tuyển dụng nhưng không có việc làm.

Dịp cuối năm, vấn nạn “rác quảng cáo” trong đó có dày đặc các tờ rơi quảng cáo môi giới việc làm lại xuất hiện với một tần suất dày đặc trên các bến xe, bờ tường, cột điện, trạm xe buýt... Rồi thì, thời công nghệ thông tin bùng phát, không ít các thông tin môi giới việc làm còn “quảng cáo” trên các trang web việc làm để những người thường xuyên lướt mạng có thể dễ dàng tìm kiếm. 

Chỉ cần mất vài phút lướt qua các trang mạng xã hội, hàng loạt các bài quảng cáo môi giới việc làm với tít hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, kinh doanh không cần bỏ vốn dịp Tết, công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp Tết cho sinh viên…Tuy nhiên, khó có thể lường trước được rủi ro đằng sau những thông tin có vẻ “béo bở” này.

Như đã nói, chiêu trò của những kẻ môi giới luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian làm không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại cao đến hấp dẫn, vì thế những người tìm việc dễ bị thu hút. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại hoàn toàn không bao giờ đúng sự thật như thế, mà chỉ có những người lao động hay sinh viên đã kinh qua vài ba lần đi tìm kiếm việc làm thêm họ mới hiểu và tận tường “thủ thuật” hay “chiêu trò” của các trung tâm môi giới chui này. 

Nguyễn Công Trung, sinh viên năm 2 Đại học Điện lực Hà Nội từng bị một trung tâm việc làm lừa đảo mất 300 ngàn đồng trong lần đầu xin việc làm thêm tết năm ngoái chia sẻ: “Từ kinh nghiệm của bản thân, em thấy rằng các thông tin môi giới việc làm, nhất là dán quảng cáo ngoài cột điện, bờ tường..., thì mức độ tin cậy không cao. Họ cứ nói tuyển trực tiếp, miễn trung gian, đưa ra mức lương cao ngất không kèm điều kiện gì để dụ sinh viên, người lao động nghèo tìm đến. Họ bán hồ sơ năm chục ngàn đồng/bộ; rồi bắt đặt cọc một khoản tiền mấy trăm ngàn, khi xin được việc thì hứa trả lại sau... Thế nhưng chẳng có trung tâm nào trả lại khoản tiền này cả, thế là mất vài trăm ngàn để đổi lấy một bài học kinh nghiệm.

Còn chị Bùi Thu Hiền, quê Thanh Hóa - một lao động thời vụ ở (quận Cầu Giấy) thì cho biết: “ Theo thông tin môi giới ở bến xe tìm người giúp việc lương 5 triệu bao ăn ở, tôi đã tìm tới và nộp 500 ngàn đồng lệ phí để. Nhưng khi đi làm nhà chủ không trả đúng số tiền thỏa thuận trước đó với lý do trả kinh phí cho người môi giới, nếu không muốn làm thì nghỉ. Không phải riêng tôi mà mấy người ở làng tôi cũng tìm việc theo kiểu đó.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tìm kiếm các công việc thời vụ dịp cuối năm. Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đưa lời khuyên với người lao động đặc biệt là các sinh viên, cần cân nhắc tìm hiểu kỹ các quy định của bộ luật lao động. Đặc biệt với những trường hợp lao động thỏa thuận miệng hay thỏa thuận bằng hợp đồng thì được quy định ra sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Trước khi đến các công ty, đơn vị doanh nghiệp ứng tuyển, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị doanh nghiệp đó, các vị trí việc làm và yêu cầu vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ có đúng với thoải thuận hai bên hay không. Cũng theo ông Thành, trong điều kiện thị trường lao động cởi mở và đa dạng như hiện nay,  người lao động nên tìm đến các địa chỉ giới thiệu việc làm uy tín, chính thống, đã được cấp giấy phép để nhận được sự hướng dẫn, trợ giúp.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh