THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

Tiếp tục rà soát một số chỉ tiêu về y tế, giáo dục

Bảo hiểm y tế đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, không phân biệt về giới

Báo cáo trước các thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp; các chế độ chính sách Bảo hiểm y tế đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, không phân biệt về giới. Phạm vi quyền lợi Bảo hiểm y tế được xây dựng theo hướng đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng, dịch vụ kỹ thuật cao đối với tất cả các nhóm đối tượng người bệnh. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để tạo nguồn đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng nghỉ thai sản và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế.

Trong lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hầu hết các tỉnh/ thành phố đã tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp và phê duyệt Kế hoạch xóa mù chữ đến năm 2020 của địa phương. Nhiều tỉnh đã có những giải pháp sáng tạo, vận động người trên 35 tuổi ra học các lớp xóa mù chữ; vận động được nhiều giáo viên đã nghỉ hưu tình nguyện dạy xóa mù chữ. Một số địa phương miền núi đã có nhiều có gắng phối hợp với bộ đội biên phòng và các tổ chức xã hội để mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo cáo về lĩnh vực tài chính, đại diện Bộ Tài chính chỉ ra rằng, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực bình đẳng giới; trong các chương trình vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội, đối tượng vay vốn đều bao gồm cả đối tượng là lao động nữ; nhiều Quỹ tài chính nhà nước thực hiện hỗ trợ tín dụng cho người lao động, hộ gia đình trong đó có các lao động nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hỗ phụ nữ nghèo, quỹ hỗ trợ tín dụng…

 

Tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số


Về lĩnh vực truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm cho biết, Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên chỉ đạo, định hướng cơ quan báo, đài đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng đẳng giới tại giao ban báo chí định kỳ. Các thông tin tuyên truyền trên báo chí đã góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới thực chất, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cũng nêu rõ, những chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động truyền thông, báo chí về thực hiện thông tin tuyên truyền bình đẳng giới chỉ mang tính định hướng, khuyến cáo nên đôi khi hiệu quả còn hạn chế.

Cần tăng cường hơn nữa truyền thông về bình đẳng giới

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, chính sách dân số hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc Bộ Y tế đã triển khai mô hình đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn đã mang lại hiệu quả nhằm giúp bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính khiến cho phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai được đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản còn hạn chế do ngân sách địa phương còn khó khăn trong việc cân đối. Do đó các đại biểu đề nghị Bộ chủ quản và các bộ ngành, địa phương cần có biện pháp để khắc phục hiện trạng này.  

Về lĩnh vực giáo dục, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành giáo dục ở các địa phương đối với công tác xóa mù chữ còn chưa thực sự ráo riết, quyết liệt do đó hiệu quả xóa mù chữ chưa cao, không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cần kiểm tra lại các số liệu điều tra cơ bản về số người mù chữ hàng năm của các địa phương, số liệu này chưa được cập nhập và không sát với thực tế, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng, ban hành các quyết sách phù hợp.

Ngoài các vấn đề cần quan tâm về y tế, giáo dục, tài chính, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng Bộ thông tin và Truyền thông cần triển khai tốt hơn nữa các chương trình, kế hoạch hành động về bình đẳng giới, nhất là thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư thêm kinh phí để mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giới và bình đẳng giới cho phóng viên các cơ quan báo chí, cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt đề nghị các bộ, ngành khắc phục hiện tượng báo cáo còn có nội dung trung lặp, số liệu chưa cập nhật; tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất một số chỉ tiêu về y tế, giáo dục để có các giải pháp cụ thể cho những năm tiếp theo.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh