CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:32

“Cần thúc đẩy các chương trình, hành động cụ thể để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ”

 

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng cục ATLĐ

 

* Tình hình TNLĐ, BNN năm 2016 cho thấy, số vụ TNLĐ năm 2016 đã giảm, nhưng số người bị chết và bị thương nặng lại có xu hướng gia tăng? Vậy Cục trưởng có đánh giá, nhận xét gì thực trạng này? 

- Cục trưởng Hà Tất Thắng: Theo số liệu báo cáo các địa phương về tình hình TNLĐ, BNN năm 2016, trong khu vực có quan hệ lao động, trên toàn quốc để xảy ra: 7.588 vụ TNLĐ làm 711 người chết, 1.855 người bị thương nặng. So với năm 2015 thì số vụ TNLĐ đã giảm 32 vụ, nhưng số người chết tăng 45 người và số người bị thương nặng tăng 151 người.  

Điều này cho thấy tính chất ngày càng phức tạp và mức độ nghiêm trọng của các vụ TNLĐ. Chúng ta biết rằng, song hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức mới trong công tác ATVSLĐ – đó là lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp làm tăng nguy cơ xảy ra TNLĐ và BNN. Cùng với đó là xu thế phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, năng lượng, hoá chất, gia tăng sử dụng điện trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới trong khi kết cấu, hình thức máy còn có những phần chưa phù hợp với vóc dáng, sức khỏe của người Việt Nam, khả năng làm chủ công nghệ của lao động Việt Nam cũng chưa đáp ứng kịp. Khoa học, công nghệ thì phát triển không ngừng, do đó công tác ATVSLĐ muốn đạt được hiệu quả cũng phải đổi mới cả về phương thức và nội dung quản lý nếu không xét về số vụ TNLĐ có thể giảm nhưng hậu quả, thiệt hại (số người chết, số người bị thương, thiệt hại về tài sản) thì lại tăng.

Từ ngày 1/7/2016, việc thống kê báo cáo trong khu vực không có quan hệ lao động cũng bắt đầu được triển khai theo qui định của Luật ATVSLĐ. Chỉ tính trong 6 tháng (từ 1/7 đến 31/12 năm 2016), cả nước đã xảy ra: 393 vụ TNLĐ làm 445 người lao động bị nạn, 151 người chết và 97 người bị thương nặng. Đây mới chỉ là con số báo cáo của 44/63 tỉnh, thành phố. Trong những năm tới, công tác thống kê, báo cáo TNLĐ ngày càng được cải tiến và mở rộng cả trong khu vực không có quan hệ lao động thì số vụ TNLĐ, người chết sẽ còn cao hơn rất nhiều. Số thống kê báo cáo phản ánh đúng hơn về thực trạng ATVSLĐ.

 

Huấn luyện TTLĐ cho người lao động

 

 * Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và bắt đầu triển khai từ năm 2017. Vậy ông có thể cho biết với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Bộ LĐ-TB&XH  đã triển khai hoạt động này như thế nào? 

- Cục trưởng Hà Tất Thắng: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12 tháng 1 năm 2016 về tổ chức Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động vào tháng 5 hàng năm, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 02 ngày 20/2/2017 hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm, trong đó đã qui định cụ thể về chủ đề, cách thức, nội dung triển khai phù hợp với đặc điểm và điều kiện của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh; mở rộng các hoạt động tới các cấp quận, huyện, xã và trong khu vực không có quan hệ lao động để đáp ứng các yêu cầu mới của Luật an toàn, vệ sinh lao động. 

Năm 2017, TP Hà Nội là địa phương trọng điểm được Ban chỉ đạo Trung ương chọn để tổ chức Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ 1. Buổi lễ sẽ được tổ chức vào ngày 6/5/2017 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, TP Hà Nội. Sự kiện này sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và thông tin sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ ở các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động.

Tại Trung ương, Bộ LĐTBXH, UBND TP. Hà Nội cùng các bộ, ngành đang tập trung triển khai 4 nhóm hoạt động chính sau trong Tháng hành động lần thứ 1, gồm:  Nhóm 1: Các hoạt động cổ động, truyền thông nâng cao nhận thức về ATVSLĐ.  Nhóm 2: Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ: Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành như Công thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Tổng Liên đoàn LĐVN. Nhóm 3: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ vào ngày 6 tháng 5 năm 2017 cùng các hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh, trang thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức khen thưởng về ATVSLĐ cho các tập thể và cá nhân điển hình trong công tác ATVSLĐ. Nhóm 4: Tổ chức các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ như: Hội thảo quốc tế về ATVSLĐ; đối thoại doanh nghiệp về chính sách chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tư vấn về ATVSLĐ; tổ chức thăm các doanh nghiệp điển hình về ATVSLĐ; thăm, tặng quà cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ. 

* Xin Ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ những năm tới để hạn chế TNLĐ, BNN?

- Cục trưởng Hà Tất Thắng: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm tốt 04 nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất: Cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên các qui định, nhiệm vụ về ATVSLĐ theo yêu cầu tại Chỉ thị 29-CT/TW của Ban bí thư, Luật ATVSLĐ, các chương trình quốc gia về ATVSLĐ. Trước hết, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các qui định của Bộ Luật lao động; hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động.

Thứ hai: Cần đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và huấn luyện về ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan một cách thường xuyên và sâu rộng cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Cần coi đây là bước đột phá để nâng cao nhận thức, ý thức cho doanh nghiệp, người lao động nhằm tạo chuyển biến rõ rệt, thay đổi từ ý thức, nhận thức thành các hành động cụ thể, thiết thực; tăng cường sử dụng công cụ số, điện thoại di động, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. 

Thứ ba: Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ qui định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; đổi mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động; nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ ở Trung ương; từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên về ATVSLĐ.

Thứ tư: Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thúc đẩy xây dựng và ban hành các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ; tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Các doanh nghiệp, cần tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện các nguy cở, rủi ro để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động cần tuân thủ đúng các nội qui, qui trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ để tự bảo vệ mình và đồng nghiệp .

Xin trân trọng cảm ơn!


THIỀU VĂN LÝ (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh