Cần thống nhất quy trình xử lý bạo lực trẻ em tại trường học
- Dược liệu
- 21:03 - 17/12/2018
“Bạo lực đối với trẻ em có thể xảy ra mọi nơi, ngay cả những nơi lẽ ra an toàn nhất đối với trẻ đó là gia đình và trường học. Vừa qua, nhiều vụ bạo hành học sinh bị phát hiện và lên án. Điều này không có nghĩa ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em mà ngày càng có nhiều người hiểu là lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em. Điều cần thiết nhất hiện nay là nâng cao nhận thức cho giáo viên về quyền trẻ em để kỷ luật học sinh không nhất thiết phải dùng bạo lực”, bà Lesley Miller, Quyền đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ.
Giáo viên có thể áp dụng kỷ luật không nước mắt.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, ra các vụ bạo lực của giáo viên với học sinh ngay tại lớp học là những sự việc thực sự đau lòng. Theo ông Nam, ngành giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa để phòng ngừa bạo lực trong trường học. Hiện nay cũng ta vẫn thiên về giải quyết theo từng vụ việc, nhưng muốn phòng ngừa về lâu về dài, thì cần phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bạo lực trong trường học, từ đó đưa ra các cách giải quyết phù hợp.
Nguyên nhân của những vụ bạo lực gần đây bắt đầu từ chủ thể là người dạy học. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay do học sinh ngỗ ngược, không tuân thủ theo nội quy của trường, khiến giáo viên bị áp lực trong triển khai các biện pháp giáo dục và dạy dỗ các em.
Ông Nam cho rằng, nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ đạo đức của nhà giáo. Không có quốc gia, ngành giáo dục nào cho phép thầy bạo hành trò, đặc biệt trong xã hội văn minh, khi chúng ta có hiến pháp, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền con người, không đạo lý nào cho phép giáo viên gây tổn thương và xúc phạm đến học sinh. Do vậy cần xem xét lại việc tuyển dụng đầu vào của các trường sư phạm, tuyển chọn giáo viên của các trường học hiện nay.
Vấn đề thứ hai là đào tạo chuyên môn và cập nhật kiến thức về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt, giáo dục học sinh trong nhà trường đang có vấn đề. Cần giảng dạy cho các giáo viên kỹ năng, kiến thức về kỷ luật không bạo lực trong lớp học. Hiện nay tại các thành phố như Đà Nẵng, TP HCM đã bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên kỹ năng giúp học sinh có kỷ luật nhưng nói không với bạo lực, kỷ luật không nước mắt.
Thứ 3, giáo viên không chỉ cần hiểu về quy chế trường học, mà còn cần hiểu về quyền trẻ em, pháp luật về xử phạt hành chính, luật hình sự. Những vụ bạo lực vừa rồi, giáo viên hoàn toàn không hiểu về quyền của trẻ em và quyền đó cần được tôn trọng. Đừng lấy danh nghĩa kỷ luật để hạ thấp, xúc phạm danh dự của trẻ, gây tổ thương về mặt thân thể, tâm lý cho trẻ. Trong các trường sư phạm cũng cần đưa Luật Trẻ em vào giảng dạy để giáo viên có thêm hiểu biết về vấn đề này.
Theo ông Nam: “Nhìn lại tổng quan, ngay khi sự việc cô giáo tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn 230 cái chưa lắng xuống thì ngay lại thủ đô và các địa phương khác liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ. Tôi cho rằng những giáo viên này có vấn đề về tâm lý. Ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường, nhưng cần triển khai tích cực hơn nữa kết hợp với công tác xã hội trong trường học”.
Trách nhiệm về công tác tâm lý học đường là của ngành giáo dục, về công tác xã hội trong trường học, Bộ GD&ĐT phải phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH để triển khai các dịch vụ hỗ trợ xã hội nhằm hỗ trợ cho giáo viên, ban giám hiệu giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Nó phải trở thành dịch vụ cơ hữu không thể thiếu trong trường học. “Tâm lý học đường không chỉ là giải quyết các vấn đề về tâm lý học sinh, mà là giải quyết các vấn đề về tâm lý trong môi trường giáo dục như quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với phụ huynh, giáo viên với ban giám hiệu.... Trong đó, giáo viên là đối tượng cần được ưu tiên trong hoạt động tư vấn”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng cho rằng, dư luận xã hội cũng cần hiểu đúng về sự cao quý của nghề giáo. Nghề giáo rất cao quý nhưng giáo viên không phải là công dân đặc biệt, khi giáo viên vi phạm pháp luật và gây tổn thương cho học sinh của mình thì tùy theo mức độ tổn thương, giáo viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm cả xử phạt hành chính bằng tiền cũng như xử lý hình sự.
Quy định về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực xâm hại đã có trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ. Vấn đề là cần có quy trình thống nhất để Bộ GD&ĐT hướng dẫn cho tất cả các trường học, hiệu trưởng, giáo viên, các cán bộ quản lý khác từ cấp Sở… Khi trẻ em bị xâm hại trong trường học có nghĩa cũng trẻ em cần được bảo vệ.
Trong Nghị định 56 quy định khi xảy ra những sự việc xâm hại trẻ em cần cung cấp ngay thông tin, thông báo đến cơ quan chức năng để phối hợp hỗ trợ bảo vệ nạn nhân. Nhiều nhà trường không muốn cung cấp thông tin ra bên ngoài mà tự giải quyết. Nhưng ban giám hiệu và cá nhân không thể giải quyết được những vụ việc bạo lực trẻ em, mà nên có sự phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em,cơ quan công an để nhanh chóng xác minh mức độ vi phạm.
Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để có quy trình riêng, thống nhất trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em tại trường học. Không thể mỗi trường hợp lại có một công văn hướng dẫn.