CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:34

Cần thống nhất quản lý về huấn luyện an toàn lao động

Chồng chéo quản lý về công tác huấn luyện

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện huấn luyện ATVSLĐ qua các tổ chức huấn luyện, nhưng ở một số địa phương, các sở Công Thương vẫn không chấp nhận, mà bắt buộc doanh nghiệp phải huấn luyện lại và thu tiền của doanh nghiệp. Việc này gây không ít khó khăn, tốn kém và cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

Thông tư 36/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, Nghị định 26/2011/NĐ-CP quy định “Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn và ủy quyền cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp giấy chứng nhận đào tạo, huấn luyện cho các tổ chức, cá nhân”. Cả 2 văn bản này đều căn cứ vào Luật Hóa chất. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ theo quy định của Luật Hóa chất tại Điều 63 (trách nhiệm của Bộ Công Thương) và Điều 64, Khoản 7 (trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH) thì “Bộ LĐ-TB&XH ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về ATVSLĐ cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề.” Như vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ liên quan đến hoạt động hóa chất là Bộ LĐ-TB&XH, chứ không phải Bộ Công Thương.

DN huấn luyện ATLĐ cho công nhân.

Tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, quy định tại Khoản 5, Điều 6 “Bộ Công Thương quy định chi tiết về công tác huấn luyện, xếp bậc cấp thẻ an toàn điện”. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 64 Luật Điện lực thì “Bộ Công nghiệp quy định tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện, cấp thẻ an toàn và hướng dẫn các biện pháp an toàn điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo”. Luật không giao Bộ Công Thương quy định về ATVSLĐ trong hoạt động điện lực.

 Nên thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về LĐ-TB&XH

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng,  Nghị định nói trên cần phải quy định thống nhất việc quản lý nhà nước về hoạt động huấn luyện và căn cứ quy định tại Luật ATVSLĐ. Nghị định này cần rà soát những văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) còn chồng chéo hiện nay để bãi bỏ.

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Từ thực tế hoạt động cơ sở, việc huấn luyện ATVSLĐ phải tổ chức theo mô hình “cầm tay chỉ việc”, không huấn luyện trực tuyến, bởi loại hình này không mang lại hiệu quả”. Với hoạt động kiểm định, đại diện các tỉnh, thành và doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành không nên quy định việc kiểm định riêng lẻ, mà thống nhất do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. “Đơn cử như Bộ Xây dựng có ban hành Thông tư về ATLĐ, trong đó phê duyệt phương án vận hành an toàn của thiết bị nâng, thang máy; nhưng khi xảy ra tai nạn thì đại diện ngành xây dựng lại đổ cho ngành LĐ-TB&XH. Do đó, trong danh mục chỉ quy định cụ thể chủng loại thiết bị chuyên ngành nào do bộ, ngành đó quy định. Còn lại, tập trung đầu mối ban hành các loại thiết bị chung do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, tránh việc phát sinh giấy phép con, gây khó cho doanh nghiệp”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huấn luyện (Cục ATLĐ) chia sẻ, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng cần thống nhất công tác quản lý. Về mặt pháp lý, căn cứ Khoản 2, Điều 236 của Bộ luật Lao động năm 2012, thì “Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong quản lý nhà nước về lao động”; căn cứ Điều 84, Khoản 2 Luật ATVSLĐ quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện ATVSLĐ. Các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện làm cơ sở để doanh nghiệp, tổ chức huấn luyện thực hiện.

Căn cứ Luật Đầu tư 2015, hoạt động huấn luyện ATVSLĐ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do các tổ chức huấn luyện hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH cũng như các bộ khác không có trách nhiệm trực tiếp đi huấn luyện và cấp giấy chứng nhận, thẻ an toàn cho doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là nội dung xã hội hóa công tác ATVSLĐ theo Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương.

Ông Nguyễn Khánh Long cho biết thêm, huấn luyện ATVSLĐ là huấn luyện bổ sung kiến thức về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức cơ bản về ATVSLĐ được truyền đạt trong các trường lớp, thể hiện qua bằng cấp, chứng chỉ của người lao động. Do đó, nội dung tổ chức thực hiện huấn luyện này được điều chỉnh bởi pháp luật ATVSLĐ mà không phải luật chuyên ngành khác. Trong trường hợp các bộ quản lý chuyên ngành đều ban hành văn bản quy định việc huấn luyện ATVSLĐ, thậm chí còn quy định bộ, ngành thực hiện huấn luyện cái gọi là các ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý (như xây dựng, điện, hóa chất, giao thông, thủy sản ... vì thực tế chưa có định nghĩa nào về ranh giới quản lý của bộ, ngành), thì mỗi doanh nghiệp, người lao động phải cần rất nhiều giấy chứng nhận huấn luyện, do công việc của từng người lao động liên quan đến nhiều yếu tố phải tiếp xúc (như hóa chất, điện, vi sinh vật...).  Việc này không chỉ gây chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn gây khó khăn, phiền hà trong việc đáp ứng các thủ tục hành chính, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động, làm lãng phí cả thời gian, kinh phí và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Các chuyên gia và đại diện các tỉnh, thành đều đề xuất trong Nghị định sắp tới quy định rõ các đơn vị đủ điều kiện tham gia huấn luyện cũng như quan trắc môi trường lao động. Thực tế, các bộ, ngành đều có văn bản hướng dẫn việc quản lý môi trường, nhưng không phân định rõ đơn vị kiểm định dẫn đến sự chồng chéo. “Thực tế, khi so văn bản quy định môi trường lao động của ngành tài nguyên môi trường và ngành LĐ-TB&XH thì các chỉ số giống hệt nhau. Điều này, nếu quản lý không tốt sẽ tạo điều kiện cho việc thanh tra quản lý hành doanh nghiệp", ông Bạch Quốc Việt chia sẻ.

 

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, từ thực tế các địa phương, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn về huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động, các ban, ngành gửi thông tin quản lý về Cục An toàn lao động và đơn vị sẽ có trách nhiệm ban hành chung văn bản hướng dẫn về an toàn lao động, tránh tình trạng nhiều ban ngành cùng quy định một nội dung gây chồng chéo.

THIỀU VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh