Cần Thơ triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
- Dược liệu
- 02:28 - 19/07/2021
Theo đó, mục đích của kế hoạch này là triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch Covid-19, góp phần phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Theo kế hoạch, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đảm trách công tác tham mưu và đầu mối thực hiện với những yêu cầu cụ thể: Thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng qui trình trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Phát huy tính chủ động của các ngành, cấp, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để triển khai linh hoạt, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và nội dung các chính sách hỗ trợ.
Bà Trần Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ cho biết: Sở đã dự thảo văn bản xác định tiêu chí, đối tượng, mức tiền hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác. Đồng thời tổ chức cuộc họp, gửi văn bản lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương.
Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH xây dựng các văn bản để cùng Sở Tư pháp, Văn phòng UBND thành phố tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo trình tự, thủ tục rút gọn, đơn giản hóa tối đa.
Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ đã có báo cáo về việc giảm mức đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ gồm: 3.477 đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng; 95.760 lao động được giảm mức đóng. Tổng số tiền được giảm mức đóng trong 12 tháng (tính từ ngày 1/7/2021 đến 1/7/2022) tạm tính là 31.458.730.044 đồng.
“Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP mang tính khẩn trương cấp bách nhằm hỗ trợ kịp thời những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng phải đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng để đạt hiệu quả cao về an sinh xã hội. Chúng tôi đề nghị các địa phương, ban, ngành có liên quan tích cực triển khai các phần việc thuộc trách nhiệm của mình theo hướng công khai, minh bạch để gói hỗ trợ của Chính phủ đến tận tay người lao động gặp khó khăn trong thời gian nhanh nhất. Nếu chúng ta thực hiện không kịp thời là rất có lỗi với dân, nhất là người lao động nghèo trong tình hình địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ", bà Xuân Mai nói.
Đối với trường hợp bán vé số dạo, UBND TP Cần Thơ đồng ý cho phép Công ty TNHH NN một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ trích từ nguồn kinh phí hoạt động của công ty để hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động trên địa bàn do tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số để phòng chống dịch bệnh Covid-19, với mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày.
Đồng thời, giao Giám đốc Sở Tài chính kiểm tra, hướng dẫn Công ty TNHH NN một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thống nhất theo đề xuất của Sở Tài chính, Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số trên địa bàn thành phố đến hết ngày 23/7.
“Các địa phương đang thống kê danh sách người bán vé số dạo, con số ước tính trên 5.000 người. Dự kiến từ tuần sau, việc hỗ trợ sẽ được triển khai và sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch Covid-19”, ông Tâm nói.
Thị trường XSKT khu vực miền Nam gồm 21 tỉnh thành. Trong đợt dịch bệnh hồi tháng 4/2020, hoạt động xổ số ở phía Nam cũng đã phải tạm dừng trong 15 ngày, dẫn đến hàng trăm ngàn lao động bị thất nghiệp. Các công ty xổ số kiến thiết miền Nam đã chi ra hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ những người bán dạo bị thất nghiệp…