THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:11

Cần Thơ: Phát huy thế mạnh, tiềm năng nông nghiệp để vươn lên làm giàu

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thoát nghèo

Điển hình trong các mô hình được nhân rộng là mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Thới Lai. Hiện nhiều hộ nông dân nơi đây đang nhân rộng mô hình có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp bằng các phương pháp sản xuất và tận dụng được các lợi thế sẵn có tại địa phương. Các mô hình này chỉ sản xuất với diện tích đất không nhiều nhưng có thể giúp nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Toàn huyện Thới Lai có diện tích tự nhiên trên 25.556 ha, trong đó có 23.256 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, ngoài sản xuất lúa với tổng diện tích trên 56.000 ha/năm, huyện còn sản xuất trên 2.000 rau màu, nuôi thủy sản với diện tích trên 4.000 ha và chăn nuôi hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm… Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.673 ha vườn cây ăn trái, trong đó có hơn 1.000 ha đang cho trái.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng là một trong những hộ gia đình thành công với mô hình này. Anh Hải đã học cách sản xuất kinh doanh cá bột giống thát lát cườm. Nhận thấy có điều kiện phát triển nghề này, anh quyết định về quê xây dựng mô hình sản xuất cá giống thát lát cườm và đã thành công.

Với diện tích đất sản xuất chỉ có hơn 3.000m2 nhưng mô hình sản xuất cá bột giống thát lát cườm đã giúp anh Hải có thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/tháng. Cá bột giống thường được sản xuất từ khoảng tháng 1 đến tháng 9 âm lịch hằng năm, nên tính chung mỗi năm mang về cho anh lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

 

Mô hình sản xuất kinh doanh cá bột giống thát lát cườm của anh Nguyễn Thanh Hải


Còn gia đình chị Nguyễn Thị Quý, ngụ ấp Thới Quan, xã Trường Thắng trước đây cũng khá bấp bênh do nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào 3 công ruộng. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị đã khởi sắc nhờ chuyển một công đất ruộng sang trồng rau má. Theo chị Nguyễn Thị Quý, điều kiện đất đai, nguồn nước tại địa phương phù hợp cho trồng rau má và đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi, thương lái đến tận nhà thu mua với giá khá ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg. Vườn rau má đang giúp gia đình chị có nguồn thu bình quân 6-7 triệu đồng/tháng và chị Quý đang có kế hoạch chuyển 2 công ruộng còn lại sang trồng rau má để tiếp tục nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo thống kê, số hộ nông dân TP.Cần Thơ đang có mức thu nhập từ 50 đến 100 triệu chiếm khá cao, nhìn chung, những hộ có thu nhập cao đều biết cách khai thác tổng hợp các nguồn lực, lợi thế của gia đình và địa phương, thực hiện những mô hình chuyên canh hoặc đa canh có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi cây nông nghiệp bền vững 

TP. Cần Thơ hiện là một trong 8 địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam-VnSAT". Mục tiêu của Dự án VnSAT là tăng 30% lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Tham gia dự án này, người nông dân được tập huấn hỗ trợ để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Với kỹ thuật này, cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhất là đối với sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá,  lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng hạn chế nên tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Cùng với đó, TP.Cần Thơ cũng tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện mới.

Tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, các nông dân nơi đây đang áp dụng mô hình sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, chính quyền nơi đây đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn… Đến nay, có hơn 3000ha (chiếm 85% diện tích đất nông nghiệp của xã) được sử dụng để sản xuất lúa chất lượng cao và nhiều doanh nghiệp cam kết bao tiêu lâu dài.

 

TP. Cần Thơ là một trong 8 địa phương ở khu vực ĐBSCL tham gia Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam-VnSAT"

Ngoài mô hình trồng lúa, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả như mô hình trồng dưa hấu lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 30 triệu đồng ha/vụ; mô hình trồng vừng luân canh với lúa vụ hè thu lợi nhuận từ 17 đến 21 triệu đồng/ha, cao hơn từ 7 đến 10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, phải hướng vào sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng và vật nuôi. TP.Cần Thơ cũng hình thành một số vùng sản xuất tập trung rau màu, hoa cây cảnh và cây ăn quả đặc sản có thương hiệu như mô hình trồng chuyên canh chuối già cấy mô có nguồn gốc từ Nam Mỹ ở huyện Cờ Đỏ…

Trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hóa TP.Cần Thơ đang diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp sẽ còn giảm, việc  nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tổ chức tốt việc tiêu thụ hết sức cần thiết bởi không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh