Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm
- Bài thuốc hay
- 13:55 - 21/11/2018
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Cần Thơ đã giải quyết việc làm cho 53.657 lao động (có 132 lao động đi làm việc ở nước ngoài), đạt 106,8% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017; Giải quyết việc làm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 37.026 người, đạt 80,5% so với kế hoạch năm 2018, tăng 18% so cùng kỳ năm 2017.
Một trong những hoạt động quy mô lớn nhằm kết nối việc làm giữa nhà tuyển dụng với người lao động ở Cần Thơ
Nhiều hoạt động kết nối việc làm
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ (Trung tâm) đã trở thành địa chỉ tin cậy và là cầu nối quan trọng cho người lao động và doanh nghiệp trong cung - cầu lao động trên địa bàn Thành phố và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức Hội thảo khởi động và chuỗi hoạt động thuộc Dự án kỹ năng thành công, khai giảng các lớp tiếng Hàn chứng chỉ EPS, đào tạo kỹ năng dành cho công chức, viên chức và người lao động của Sở LĐ TB&XH TP.Cần Thơ và các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm còn thông tin về các chương trình “Giới thiệu thị trường lao động dành cho học sinh trung học phổ thông” và phối hợp Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD thực hiện hoạt động hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật. Thực hiện vai trò kết nối việc làm, Trung tâm đã xây dựng sổ tay thị trường lao động và thông tin chung các trường đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2018 góp phần mang lại thông tin bổ ích, thiết thực, cụ thể cho người lao động và các đơn vị tuyển dụng.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng dành cho người thất nghiệp, hội chợ việc làm tại các trường đại học và ngày hội việc làm trực tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động tại các xã, phường, thị trấn và quân nhân xuất ngũ. Với nhiều nỗ lực tổ chức các hoạt động bổ ích, Trung tâm đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Đó là 9 tháng đầu năm đã kết nối việc làm trong nước cho gần 4.750 lao động; đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 3.300 lượt người; tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho hơn 70.300 lượt người.
Đào tạo nghề nhằm nâng cao tỷ lê lao động qua đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ TB&XH Cần Thơ nhấn mạnh năm 2018, Thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học tại các cơ sở dạy nghề gắn với thị trường lao động, chuyển hướng cơ cấu các ngành, nghề tuyển sinh và phát triển hợp đồng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, xã hội. Đồng thời, mở những lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn; thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ việc làm cho nhóm lao động yếu thế; tập trung đầu tư mạng lưới các trường chất lượng cao gắn với quy hoạch phát triển nhân lực. Trong 9 tháng đầu năm, Cần Thơ đã khai giảng 110 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 3.850 học viên, đến nay bế giảng được 15 lớp.
Ký kết thỏa thuận liên kết hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho phụ nữ TP. Cần Thơ
Riêng Trường Trung cấp nghề Thới Lai đã tuyển sinh được 117 học sinh hệ trung cấp, đạt 59% so với kế hoạch. Trường đã khai giảng 12/12 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đạt 100% chỉ tiêu giao năm 2018 và đã bế giảng được 4/12 lớp với 140 học viên được cấp chứng chỉ. Đồng thời, phối hợp tổ chức đào tạo 01 lớp đan lát với 35 học viên và 01 lớp may công nghiệp với 35 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Thành phố. Bên cạnh đó, còn phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố tổ chức khai giảng 03 lớp Trồng rau an toàn tại phường Trung Nhứt, phường Thốt Nốt và xã Trường Xuân. Chú trọng đầu ra và nâng cao hiệu quả đào tạo, Trường đã khảo sát ký hợp đồng ghi nhớ với 02 doanh nghiệp phối hợp đào tạo chuyên môn, hướng dẫn thực tập thực tế giúp học sinh có thêm cơ hội cọ xát với nghề nghiệp tương lai.
Trong thời gian đến, Thành phố tiếp tục theo dõi giám sát việc thực hiện triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nghề nông thôn và khảo sát nhu cầu học nghề năm 2019. Đồng thời, huy động nhiều thành phần xã hội tham gia dạy nghề; tăng cường kết nối, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các địa phương chủ động chọn nghề, đơn vị đào tạo, đảm bảo đầu ra, việc làm cho người lao động.