Cần Thơ làm tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Bài thuốc hay
- 08:29 - 11/06/2023
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một trong 05 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi NLĐ bị TNLĐ-BNN. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo “điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều NLĐ vượt qua khó khăn.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Cần Thơ, năm 2022, Cần Thơ đã giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho 25 người, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Cần Thơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho 9 người với số tiền hơn 250 triệu đồng.
BHXH TP.Cần Thơ cho biết, Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 được ban hành đã quy định đầy đủ, rõ ràng về chế độ TNLĐ, BNN, cắt giảm tối đa thủ tục đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN và hưởng các chế độ TNLĐ, BNN. Mức hưởng TNLĐ, BNN được tăng lên khi quy định mức hưởng được tính trên tổng thời gian tham gia đóng BHTNLĐ, BNN và mức suy giảm khả năng lao động của người lao động.
Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp người lao động bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, nhất là các trường hợp người lao động đi công tác bị tai nạn giao thông, cũng gặp khó khăn khi xác định tuyến đường đi và về hợp lý để xác định NLĐ bị TNLĐ. Về thời hạn điều tra TNLĐ, vẫn còn trường hợp đơn vị chưa tuân thủ đúng quy định về thời hạn điều tra TNLĐ, đơn vị còn lúng túng trong việc xác định NLĐ có được hưởng chế độ TNLĐ hay không nên chậm trễ thực hiện lập biên bản điều tra TNLĐ, dẫn đến việc đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ đối với các vụ việc xảy ra đã lâu, làm ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ và gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc xác định thời điểm hưởng và giải quyết chế độ TNLĐ.
Vì vậy, thời gian tới, BHXH Cần Thơ kiến nghị các đơn vị sử dụng lao động tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa TNLĐ, tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ tại đơn vị.
Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động và NLĐ về Luật ATVSLĐ, nhất là tổ chức công đoàn phải nắm vững các quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, kịp thời bảo vệ NLĐ khi NLĐ bị TNLĐ mà đơn vị chưa lập đủ các hồ sơ cũng như giới thiệu NLĐ ra giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN.
Đối với các trường hợp BNN, đơn vị sử dụng lao động cần nắm rõ các quy định để thực hiện giải quyết chế độ BNN cho NLĐ, lưu ý về các bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị BNN của NLĐ phải có trong hồ sơ khám BNN hàng năm của đơn vị, tránh trường hợp khi có phát sinh NLĐ bị BNN thì mới hoàn thiện lại hồ sơ.
Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng và một lần cho trên 8.100 NLĐ trong năm 2022 và gần 1.700 NLĐ trong 3 tháng đầu năm 2023. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ, BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ, vì vậy khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, NLĐ hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho mình, như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc.