THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:45

Cần Thơ: Không bỏ quên các đối tượng yếu thế

Đóng góp tích cực cho cộng đồng

Thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH, TP.Cần Thơ đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện. Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã giao cho Trung tâm Công tác Xã hội, Trung tâm Bảo trợ Xã hội phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện việc cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi, các nạn nhân bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động, người bị lạc đường do rối nhiễu tâm trí… Cung cấp các dịch vụ tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý cho đối tượng; phối hợp với các cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo tập huấn, hội thảo về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ CTXH.

Có mặt tại Trung tâm Công tác Bảo trợ Xã hội Cần Thơ, tận mắt chứng kiến những nhân viên tại đây chăm sóc những người mắc bệnh khuyết tật bẩm sinh, bệnh nhân tâm thần, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, mới cảm nhận tấm lòng của họ. Theo các cán bộ, nhân viên nơi đây, họ gắn bó với nghề công tác xã hội, ngoài trái tim yêu thương, cần có bản lĩnh và những kỹ năng nhất định, đặc biệt rất cần cái “tâm” với nghề.

Để thực hiện Đề án đúng với kế họach, mục tiêu đề ra, hàng năm ngành LĐTB&XH Cần Thơ thường xuyên khảo sát, thống kê các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, khi có thông tin cần trợ giúp, CBNV Trung tâm đến từng gia đình để xác minh thông tin, đánh giá nhu cầu trợ giúp. Sau khi đánh giá và xác định nhu cầu, ngành LĐTB&XH đã giao cho Trung tâm CTXH, Trung tâm Bảo trợ Xã hội thực hiện hoạt động kết nối nguồn lực, phối hợp với các cơ quan chức năng, vận động chính sách giúp đối tượng. Từ đó, hàng trăm đối tượng được tư vấn trực tiếp về chính sách cũng như hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên họ vững tin vượt qua khó khăn và rất nhiều trường hợp khác được kết nối, từ thiện vật chất góp phần ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ

Xác định, nghề công tác xã hội là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...)… để mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt những người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc và khám chữa bệnh, CBNV Trung tâm nơi đây luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người bệnh, để chia sẻ, động viên, để tư vấn, trợ giúp họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, giải quyết vấn đề gặp phải.

Theo Trung tâm CTXH, trong năm 2017, đơn vị này đã hỗ trợ kết nối 13 trường hợp ngoài cộng đồng về các lĩnh vực làm thủ tục giấy tờ tùy thân, gửi con vào nuôi dưỡng tại Trung tâm, trợ giúp đối tượng lang thang không nơi nương tựa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Kết nối với phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều mở lớp học văn hóa cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Các phòng , ban Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ ký kết thi đua khen thưởng trong năm 2018

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tiếp nhận 172 cuộc gọi từ tổng đài 18008065 về các vấn đề hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội, liên hệ hỗ trợ cho Trung tâm, hướng dẫn thủ tục làm giấy tờ tùy thân, các trường hợp khẩn cấp...Trung tâm cũng tiếp nhận từ đường dây nóng 18001567 (Cục Bảo vệ trẻ em) nhờ can thiệp hỗ trợ khẩn cấp trường hợp tại các quận huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Không bỏ quên các đối tượng yếu thế

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế tại cộng đồng được ngành LĐ-TB&XH, các địa phương, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố dành nhiều sự quan tâm. Trong năm 2017, TP. Cần Thơ đã trợ cấp thường xuyên cho 38.162 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí trợ cấp hàng tháng trên 13.828 triệu đồng. Trong đó, cấp 34.359 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng, 38.504 thẻ BHYT cho người nghèo và 34.661 thẻ BHYT cho người cận nghèo, đảm bảo 100% đối tượng đều được cấp thẻ BHYT.

Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng cho ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ và các cá nhân về những đóng góp cho ngành CTXH. 

Hiện Trung tâm CTXH Cần Thơ đã triển khai thực hiện mô hình “Công tác xã hội trong bệnh viện” với Trung tâm Công tác xã hội và Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chăm sóc và khám chữa bệnh.

Trò chuyện với một nữ tư vấn viên tại Trung tâm CTXH Cần Thơ, chị cho biết đã từng tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp về tinh thần, tâm lý. Có những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là những đối tượng cần sự cảm thông, hỗ trợ từ cộng đồng như trẻ khuyết tật, tự kỷ, mồ côi cha mẹ, bị bạo lực gia đình hay những người phụ nữ yếu thế trong xã hội, người già đơn côi. Theo chị, làm nghề CTXH cần phải có tâm huyết mới có thể gắn bó và giúp đỡ được những đối tượng gặp khó khăn vượt qua được nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần, giúp họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết: Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên các mô hình công tác xã hội, các câu lạc bộ ngoài cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về nghề công tác xã hội. Đồng thời, thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ, kết nối dịch vụ và phát triển cộng đồng ngày một hiệu quả, tích cực… nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh