Cần Thơ cần rà soát kỹ về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp
- Bài thuốc hay
- 09:25 - 03/11/2021
Thực hiện kế hoạch công tác, ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan làm trưởng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ để kiểm tra và đôn đốc công tác thực hiện triển khai theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ về hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân
Qua nghe báo cáo của UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, công tác triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ, tuy nhiên còn một số chính sách vẫn còn hạn chế, do trong quá trình triển khai gặp vướng mắc, như chính sách hỗ trợ vốn đào tạo duy trì việc làm cho người lao động,…. Qua đó, Cần Thơ cần rà soát xem doanh nghiệp còn những vướng mắc gì để có giải pháp hỗ trợ.
Đồng thời, ông Liêm thông tin, trong thời gian qua do dịch bệnh nhiều thị trường lao động nước ngoài đóng cửa. Đến thời điểm này một số thị trường đã bắt đầu tiếp nhận lao động, khi người lao động đã được tiêm vaccine như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,… “Cần Thơ cần quan tâm kiết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và tạo điều kiện hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”: ông Liêm gợi ý.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM cho rằng, Cần Thơ là một trong các địa phương ở Tây Nam bộ bị chịu ảnh hưởng của Covid-19 nặng nề, tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của NLĐ. Những với quyết tâm của các cấp ngành đến thời điểm hiện nay, như Cần Thơ đã thực hiện nhanh được 11/12 chính sách với hơn 249.453.000 đối tượng được thụ hưởng, đây là con số rất ấn tượng.
“Cần Thơ triển khai rất tốt chính sách vay vốn, mặc dù con số chưa cao, do chính sách này rất khó thực hiện; Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất triển khai khá hiệu quả, mặc dù gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp không mặn mà. Khi triển khai kịp thời chính sách này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất lớn trong sản xuất, kinh doanh, theo đó Cần Thơ cần phát huy”: ông Thắng nhấn mạnh.
Cần rà soát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao việc các cấp, ngành, cơ quan TP Cần Thơ đã phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Qua kiểm tra, giám sát của HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, Sở LĐ-TB&XH và các cấp cấp, ngành chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách hay vi phạm pháp luật trong thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng, Cần Thơ có một số chính sách hỗ trợ nổi bật như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đều đạt tỷ lệ 100% so với dự kiến,… Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác, HĐND Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng. Theo đó, có 9/9 quận, huyện trên địa bàn đã triển khai phê duyệt hỗ trợ cho hơn 214.000 người, đến nay đã chi hỗ trợ cho 149.418 người, đạt gần 70% theo kế hoạch.
Thứ trưởng đề nghị, UBND TP Cần Thơ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, thống kê để hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt hỗ trợ kịp thời cho người lao động đã được phê duyệt trước ngày 15/11/ 2021.
Về việc thiếu hụt hơn 22.000 lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại của Cần Thơ, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị: "UBND TP Cần Thơ cần chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các KCN - Khu kinh tế triển khai điều tra, thống kê xem việc thiếu hụt lao động này là do các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất hay thực sự thiếu hụt nhận lực. Đồng thời, rà soát số lao động mới trở về địa phương để xem những ai có nhu cầu tìm việc làm ở địa phương, ai mong muốn trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh để kịp thời hỗ trợ".
Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng và đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Dương Tấn Hiển cam kết tập trung triển khai thực hiện các chính an sinh xã hội, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị luôn hoàn thành tốt công việc của ngành.
Chiều cùng ngày Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long; Trường Cao đẳng Vĩnh Long và Công ty MITACO.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác bà Trần Thị Thanh Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết, hiện trên địa bàn Cần Thơ đã có 3.650 đơn vị với 82.423 lao động, được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (12 tháng) với hơn 27.849.640.000 đồng.
Thông tin về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, bà Mai cho biết, Cần Thơ đã chi hỗ trợ cho 9.072 người với kinh phí trên 33,1 tỷ đồng, đạt tỷ lện hơn 64%; Hỗ trợ cho 16 người lao động ngừng việc với kinh phí 16 triệu đồng, đạt tỷ lệ 01,97% (số được phê duyệt hỗ trợ là 813 người).
Đã chi hỗ trợ cho 1.655 hộ kinh doanh với kinh phí trên 4,9 tỷ đồng, đạt hơn 38%; đã giải ngân cho 18 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 2.406 lượt người với số tiền cho vay là 374,19 triệu đồng.
Thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 29/10 Cần Thơ đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho 56.304 người với số tiền đã chi hơn 136.368.000 đồng; Giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 3.554 đơn vị, có 84.547 lao động với số tiền giảm hơn 56.997.000.000 đồng.
Bà Mai cho biết, hiện Cần Thơ có hơn 4,140 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tổng số lao động đang làm khoảng 40.000 người (Cần Thơ có tổng số 11.128 doanh nghiệp với gần 150.000 lao động).
Dự báo, từ nay đến tháng 6/2022, sau khi hoạt động trơ lại các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ cần tuyển dụng từ khoảng hơn 22.000 lao động. Riêng các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang và sẽ hoạt động trở lại thiếu hụt hoảng 12 ngàn lao động, do lao động nghỉ việc về quê chưa trở lại, không trở lại và do nhu doanh nghiệp cầu phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.