CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:46

Cần thêm "dầu" để "đoàn tàu kinh tế" chạy trở lại

Ông Nhân ví von: "Ta hình dung đoàn tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh còn nguyên toa tàu, lái tàu và đường ray, 92% nhân viên ở các toa tàu. Như vậy cần kinh phí để mua dầu cho đoàn tàu chạy trở lại, bán được vé thì sẽ có tiền trả nợ”.

  Trong làn sóng dịch thứ 4, TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, số ca nhiễm chiếm tới 44% cả nước, số ca tử vong chiếm 75%, thời gian giãn cách xã hội kéo dài nhất - gần 4 tháng. Thực hiện phương châm "ai ở đâu ở đấy" nên hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ được duy trì ở mức tối thiểu; 99% doanh nghiệp không hoạt động, bị giảm và mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Do đó, tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề, dự báo là âm 5%

  Chỉ ra thực tế sau gần 4 tháng, doanh nghiệp không có thu nhập, thiếu tiền để mua nguyên liệu vật tư, trả lương cho người lao động, trả tiền điện, nước, chi phí vận tải... "Vậy doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục?", ông Nhân đặt câu hỏi và cho rằng, căn cứ trên những số liệu thống kê đáng tin cậy: Với thực trạng doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, quy mô vốn là 41 tỷ đồng, 14 lao động, doanh thu mỗi năm là 27 tỷ đồng, do vậy chỉ khoảng 20% doanh nghiệp tự khởi động không cần hỗ trợ nhưng đến 80% doanh nghiệp phải cần hỗ trợ để có vốn lưu động.

Trong bối cảnh đó, cần dành nguồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh có vốn lưu động. Theo đó, ông Nhân đưa ra gợi ý: Cần có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với mức bình quân khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp; hộ kinh doanh cá thể được cho vay 25 triệu đồng, tức tổng mức vay là khoảng 440.000 tỷ đồng để khởi động lại doanh nghiệp.

Cần thêm dầu để đoàn tàu kinh tế chạy trở lại. (Ảnh minh họa)

Cần thêm "dầu" để "đoàn tàu kinh tế" chạy trở lại. (Ảnh minh họa)

Với góc nhìn của một nhà kinh tế, giáo sư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng trả nợ vay: Số tiền vay 5 tỷ đồng chiếm 20% doanh thu; hộ kinh doanh được vay 25 triệu đồng chiếm 5% doanh thu, với mức như vậy là "có thể trả được". Đồng thời cho rằng, việc hỗ trợ cho vay thông qua giảm 3% lãi suất sẽ cần nguồn lực là 28.200 tỷ đồng, cũng là phù hợp nếu so với số thuế đóng góp của doanh nghiệp mỗi năm là 277.000 tỷ đồng, là việc "đáng làm về mặt xã hội".

  Với cộng đồng doanh nghiệp cả nước, ông Nhân cũng kiến nghị dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp nên có thể tính toán sử dụng nguồn đầu tư công chưa dùng hết trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp và phòng, chống dịch.

  Trước tác động nặng nề của dịch Covid-19, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Hy vọng những kiến nghị tâm huyết, sát thực tế và đầy trách nhiệm nên được xem xét một cách nghiêm túc để có những chính sách thiết thực, kịp thời nhằm tạo điều kiện cho "đoàn tàu kinh tế" sớm trở lại lộ trình quen thuộc của mình.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh