Cần tháo gỡ vướng mắc ở cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa
- Tây Y
- 00:20 - 04/05/2017
Khu vực cảng được Công ty CP Đại Dương đầu tư đồng bộ, hiện đại với trang thiết bị phục vụ bốc xếp hàng hóa chuyên dụng như: cẩu liebher năng suất bốc dỡ 13 ngìn tấn/ngày, 17 xe cẩu các loại và hệ thống các xe nâng hàng, kho chứa hàng ...
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan với lý do doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do quyết định từ chối tàu đối tác cập bến cảng tổng hợp Nghi Sơn của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa.
Doanh nghiệp thiệt hại nặng vì tàu không được cập cảng dỡ hàng
Cụ thể, ông Phạm Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương (Tĩnh Gia – Thanh Hoá) hiện là đơn vị chủ quản và khai thác cầu cảng số 3, cầu cảng số 4 và cầu cảng số 5 thuộc Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Trong đó cầu cảng số 3 và cầu cảng số 5 đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở, đưa vào khai thác cho phép tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000DWT ra vào cảng bốc dỡ hàng.
Ngày 15/4 vừa qua, tàu SWANSEA quốc tịch Marshall Islands cập cảng để chuyển hàng thì bị Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa từ chối cho phép vào Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn, vì lý do tàu này lớn hơn 50.000DWT.
Cụ thể, tàu SWANSEA trọng tải toàn phần DWT là 63.310 MT, chiều dài LOA = 199,99m, chiều rộng B = 32,26m, tàu nhận 49.500 tấn Clinker.
Trong công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa kiến nghị cho tàu SWANSEA cập cảng, Công ty Đại Dương khẳng định kết cấu cầu cảng và mớn nước lấy hàng để tàu cập và rời cầu an toàn, cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất an toàn. Đồng thời, cho biết chỉ cho tàu SWANSEA xếp hàng với khối lượng 49.500 tấn, tương ứng với mớn nước phù hợp với luồng Nghi Sơn khi tàu rời cầu cảng.
Tuy nhiên, những kiến nghị cùng cam kết trách nhiệm của Công ty Đại Dương lại chỉ nhận được sự im lặng từ Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa.
“Kiến nghị của chúng tôi đến nay chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải của công ty và môi trường đầu tư kinh doanh ở Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là với đối tác nước ngoài’, ông Phạm Văn Dương cho hay.
Ông Dương cho biết, theo cam kết hợp đồng đã ký với đối tác, mỗi ngày tàu SWANSEA quốc tịch Marshall Islands không được vào cảng, Công ty Đại Dương sẽ bị phạt 6.000 USD.
“Tính đến 30/4, tổng số tiền phạt công ty phải chịu là: 16 ngày x 6.000 USD = 96.000 USD, chưa tính đến mức phạt khi hết hạn hợp đồng vào ngày 5/5, khoảng trên dưới 200.000 USD”, ông Phạm Văn Dương nói.
Bộ GTVT đã có hướng dẫn nhưng vẫn chưa thực hiện
Theo ông Phạm Văn Dương, tại khu vực cảng này hoàn toàn có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn như tàu SWANSEA. Điều này cũng phù hợp các quy định của Bộ GTVT đã làm việc với cảng vụ và tỉnh Thanh Hóa trước đó.
Cụ thể, trong Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nêu cụ thể “các tàu có trọng tải lớn hơn, nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không…) đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra vào cầu cảng”.
Tàu trả hàng tại cảng Nghi Sơn.
Ngoài ra, thông báo số 302/TB-BGTVT ngày 6/6/2016 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp với UBND tỉnh Thanh Hóa về quy hoạch chi tiết cảng biển Thanh Hóa cũng chỉ rõ: “Cỡ tàu, trọng tải tàu theo quy hoạch là cơ sở kỹ thuật để tính toán quy mô, chuẩn tắc kỹ thuật cầu cảng, luồng tàu. Trong thực tế khai thác, cầu cảng, luồng tàu được phép tiếp nhận tàu ra, vào làm hàng không giới hạn bởi tải trọng tàu theo quy hoạch mà được xem xét trên cơ sở thông số kỹ thuật tàu phù hợp với chuẩn tắc kỹ thuật luồng tàu (độ sâu, chiều rộng, đường kính quay trở, tĩnh không…) và năng lực cầu cảng”.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có Công văn thông báo Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đến các Cảng vụ Hàng hải, yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải khu vực hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển đã đầu tư xây dựng và phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
Thế nhưng, trên thực tế hiện nay đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn đang từ chối cấp phép cho tất cả các tàu có tải trọng trên 50.000 DWT nhưng có các thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không…) ra vào làm hàng tại các cầu cảng thuộc Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa kiến nghị xử lý
Ngày 2/5, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hoá cho biết thời gian qua ngoài Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương cũng đã có nhiều doanh nghiệp phản ứng, kêu cứu vì bị gây khó vì lý do trên.
Theo ông Đệ, hiện nay còn nhiều tàu không được vào Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn cũng với lý do giống như trường hợp phản ánh của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương.
“Việc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn từ chối cấp phép cho doanh nghiệp là trái với kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp với UBND tỉnh Thanh Hóa và không đúng với quan điểm phát triển được thể hiện rõ tại quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông vận tải; gây ách tắc cho việc thông quan hàng hóa tại khu vực cảng Nghi Sơn, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các doanh, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghi Sơn, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của đối tác nước ngoài”, ông Đệ nói thêm.
Trước sự việc trên, ngày 2/5 phóng viên đã liên hệ trao đổi với ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hoá. Qua điện thoại, ông Ba cho biết, việc tàu SWANSEA không được cấp phép cập cảng do có tải trọng vượt quá 5 vạn tấn. “Tàu SWANSEA có tải trọng 6,3 vạn, trong khi khả năng tiếp nhận của cảng chỉ là 5 vạn tấn giảm tải”, ông Đặng Văn Ba nói.
Cũng theo ông Ba, Cảng vụ Thanh Hoá đã có báo cáo gửi Cục Hàng hải Việt Nam liên quan sự việc trên.
Việc cảng vụ Hàng Hải Thanh Hóa cứng nhắc trong việc áp đặt cho phép tàu vào cảng đã và đang gây ra những khó khăn, thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các doanh nghiệp bốc xếp, tiếp nhận hàng hóa ra vào cảng; ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trong xếp dỡ hàng hóa với các cảng biển trong khu vực.
Việc này rất cần Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc giải quyết, xử lý hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo sự phát triển./.