THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Cẩn thận bị bỏng, ngộ độc khi dùng tinh dầu không đúng cách

Hôm 8/8, WebMD đã dẫn chứng một trường hợp sử dụng tinh dầu không đúng cách là một bệnh nhân có tên Rachael Armstrong ở Omaha, bang Nebraska, Mỹ. Armstrong bắt đầu sử dụng các loại tinh dầu vào năm ngoái.

Mỗi sáng, cô nhỏ một giọt dầu trầm hương dưới lưỡi sau khi nghe một số người nói làm như vậy để tăng cường hệ miễn dịch. Mỗi khi bị đau đầu, cô xoa một ít tinh dầu bạc hà vào thái dương. Mỗi đêm, cô thường mát xa lòng bàn chân bằng tinh dầu bưởi để ức chế sự thèm ăn. Ban ngày, cô bôi tay bằng tinh dầu cam bergamot để kháng khuẩn và thường bỏ tinh dầu chanh vào trong chất tẩy rửa và bình nước.

 

Rachael Armstrong bị bỏng hóa học do lạm dụng tinh dầu.


Rồi một ngày, sau khi ngồi dưới ánh nắng để xem bóng rổ, tới đêm, cô bị phát ban ở cổ và cánh tay. Tới sáng, hai mắt của cô bị sưng phồng. Vết ở cổ đỏ rộp lên như bị bỏng. Sau đó, cô bình thường trở lại.

Tuy nhiên, vài tuần sau đó, cứ mỗi lần ra ngoài nắng, dù chỉ một chút, hiện tượng như vậy lại xuất hiện. Cuối cùng, do những triệu chứng như vậy ngày càng nặng, cô đã phải tiêm steroid. Các bác sĩ nghi ngờ cô bị ngộ độc tinh dầu.

Cô cho biết: "Tôi thừa nhận có lẽ tôi đã lạm dụng các loại tinh dầu. Tôi nghĩ mọi người không biết rằng dù chúng là sản phẩm tự nhiên nhưng chúng có thể gây hại nếu bị lạm dụng”.

Mặc dù không nhiều, nhưng số người dùng sai cách hay lạm dụng các loại tinh dầu để dẫn đến hậu quả như cô Armstrong đang ngày càng tăng. Nhiều người bị bỏng hóa học, bị dị ứng, gặp vấn đề về hô hấp và nhiều phản ứng phụ khác khi dùng không đúng cách các loại tinh dầu chiết xuất từ thực vật.

 

Tinh dầu có nhiều lợi ích nhưng phải dùng đúng cách và đúng tác dụng của mỗi loại tinh dầu.


Theo công ty nghiên cứu thị trường SPINS, trong năm qua, tại Mỹ, doanh số bán các loại tinh dầu đã tăng tới 38%, người tiêu dùng chi tới tổng cộng hơn 1 tỷ USD để mua tinh dầu và các phụ kiện liên quan. Con số trên còn chưa tính đến các hàng chục triệu USD doanh số bán tinh dầu từ các công ty bán tinh dầu trực tiếp cho người tiêu dùng mà không qua các kênh bán lẻ.

Người tiêu dùng ưa chuộng tinh dầu bởi chúng tự nhiên, không cần bác sĩ kê đơn và họ nghĩ không có phản ứng phụ.

Dù vậy, bà Cynthia Bailey, bác sĩ da liễu ở Sebastopol, California nhấn mạnh: “Có bằng chứng khoa học đáng tin cậy về lợi ích của một số loại tinh dầu thiết yếu. Tuy nhiên, bạn phải lựa chọn khôn ngoan và không thể sử dụng chúng một cách bừa bãi”.

Tinh dầu đang được sử dụng nhiều hơn ở các bệnh viện và phòng khám để giảm căng thẳng, giảm đau, giảm buồn nôn, và thậm chí ngăn ngừa chứng đau lưng. Một nghiên cứu gần đây đối với 300 bệnh nhân cho thấy, những người hít một ít hỗn hợp hơi của gừng, bạc hà và bạch đậu khấu ít bị buồn nôn hơn sau khi giải phẫu. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy, dầu oải hương có thể hạ thấp mức hormone gây căng thẳng cortisol; hít hương chanh  có thể ngăn ngừa sự lo lắng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tinh dầu trà và oregano có thể chống lại các vi khuẩn và nhiều bệnh viện đã dùng chúng để điều trị bệnh gàu và nấm.

Dù vậy, nhiều nhà sản xuất tinh dầu đang quá tâng bốc hoặc đưa thông tin sai lệch về tác dụng của các loại tinh dầu, khiến chúng bị lạm dụng hoặc bị sử dụng sai cách.

Tiến sĩ Joie Power cho hay: "Tinh dầu rất an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Nhưng hiện có rất nhiều thông tin sai lạc về tinh dầu. Tôi thực sự lo lắng về điều đó”.

Những lưu ý khi sử dụng tinh dầu

Hầu hết các loại tinh dầu đều không thể dùng qua đường uống. Cách này sẽ khiến cơ thể hấp thụ nhiều tinh dầu hơn, tăng nguy cơ bị dị ứng hoặc ngộ độc. Ngay cả việc uống một lượng rất nhỏ cũng có thể khiến bạn bị mệt mỏi, nhức đầu.

Theo Trung tâm Chống độc Tennessee, uống các loại dầu như dầu cây chè, wintergreen, và camphor có thể khiến bạn bị sưng họng, tim đập nhanh, nôn mửa và thậm chí là động kinh.

Trong khi đó, một số loại tinh dầu, như bạch đàn, chứa hợp chất phenol có thể gây kích ứng đường hô hấp nếu hít phải, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Một số tinh dầu có các đặc tính giống như hormone có thể gây hại cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Đối với phụ nữ mang thai, tinh dầu bôi ngoài da có thể vượt qua các “hàng rào” để vào nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhiều loại dầu cam quýt chứa furocoumarins, có thể gây bỏng hóa học khi phơi da ngoài tia UV của mặt trời. Hồi tháng Ba vừa qua, Elise Nguyễn ở Wisconsin đã chia sẻ trên Facebook về việc cô bị bỏng độ ba sau khi dùng tinh dầu cam quýt và đi tắm nắng.

Các bác sĩ khuyên, người dùng hãy tìm hiểu kĩ các loại tinh dầu khác nhau, cách sử dụng chúng để tránh gặp những tác dụng phụ hay những hậu quả tai hại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh