CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Trẻ em cần đeo khẩu trang thế nào để phòng dịch Covid-19?

Theo Zing.vn, Reuters cho hay khuyến cáo trên được đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Hai tổ chức này cho biết trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang nếu không thể đảm bảo khoảng cách 1 m khi tiếp xúc người khác. Đồng thời, ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, trẻ cũng phải đeo khẩu trang.

Trong khi đó, việc đeo khẩu trang ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ lây nhiễm trong khu vực, khả năng sử dụng khẩu trang của trẻ và sự giám sát đầy đủ của người lớn. Trẻ em dưới 5 tuổi không nên đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho các bé.

Hai tổ chức trên cũng khuyến cáo mọi người nên cân nhắc việc đeo khẩu trang ở trẻ khi có nguy cơ tác động đến sự phát triển thần kinh và khả năng học tập.

Trước đó, ngày 5/6, WHO đề nghị mọi người nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng để giảm sự lây lan dịch bệnh, nhưng chưa ban hành hướng dẫn cụ thể cho trẻ em.

Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, tờ Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam cho hay, tính đến 6 giờ sáng 23/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 23,3 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó trên 807.000 ca tử vong. Riêng Ấn Độ đã vượt mốc 3 triệu ca bệnh sau khi ghi nhận số ca mắc trong ngày 22/8 cao kỷ lục.

Trẻ em cần đeo khẩu trang thế nào để phòng dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6/8. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm trên 247.000 bệnh nhân COVID-19 và trên 5.000 người tử vong trên thế giới.

Trong đó, số ca mắc mới ở châu Mỹ cao nhất thế giới (trên 119.000 ca), với Nam Mỹ ghi nhận trên 68.000 ca, còn Bắc Mỹ ghi nhận trên 51.000 ca.

Hai nước Mỹ và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất châu lục. Số ca mắc mới ở hai nước này lần lượt là trên 41.000 và trên 45.000, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ lên trên 5,8 triệu người, trong khi ở Brazil là trên 3,5 triệu người.

Số bệnh nhân nhiễm mới ở hai nước khác tại châu Mỹ là Argentina và Colombia tăng thêm trên 8.000 người tại mỗi nước.

Tại châu Á, Ấn Độ có 70.068 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm hàng ngày ở nước này vượt mốc 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 3 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 56.846 ca sau khi có thêm 918 ca tử vong.

Trẻ em cần đeo khẩu trang thế nào để phòng dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Ấn Độ đang gây sức ép đối với chính phủ trong việc hạn chế các cuộc tụ tập đông người trong bối cảnh lễ hội thần Ganesh đầu voi của tín đồ Ấn Độ giáo kéo dài 11 ngày đã diễn ra trong tháng này tại phần lớn các vùng ở miền Tây nước này, nhất là ở thủ đô tài chính Mumbai. Lễ hội này thường thu hút một lượng rất lớn người dân tham gia.

Tại Đông Nam Á, trong ngày 22/8, ASEAN ghi nhận 7.053 ca mắc COVID-19 tại sáu quốc gia và 120 ca tử vong tại hai quốc gia. Số ca mắc ở cả Philippines và Indonesia chiếm gần 99% tổng số ca bệnh mới trong ngày 22/8 ở ASEAN. Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 22/8 là Philippines (26 ca) và Indonesia (94 ca).

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.884 ca. Trong 5 ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận trên 4.000 ca mắc hàng ngày và có xu hướng tăng dần mỗi ngày. Tính tới hết 22/8, tổng số ca mắc ở Philippines là 187.249 ca, trong đó 2.966 ca tử vong. Nước này có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á và số ca tử vong cao thứ hai, sau Indonesia.

 

HOÀNG MINH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh