Cần sớm thu phí lại tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương
- Huyệt vị
- 04:10 - 17/10/2019
Đề cập đến sự cần thiết thu phí trở lại cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) bày tỏ quan điểm của Hiệp hội: "Việc không thu phí đường cao tốc khiến lượng xe cộ tràn vào nhiều hơn, gây quá tải và hạn chế tốc độ. Như vậy sẽ không phát huy hết tác dụng và ý nghĩa của đường cao tốc. Mặt khác, việc không kiểm soát tải trọng xe sẽ tác động xấu đến công trình, bởi nhiều đoạn trên cao tốc là cầu cạn, không thể chịu tải trọng vô tội vạ được. Giả dụ cầu có tải trọng 30 tấn mà xe 40-50 tấn cứ ào ào đi vào thì không công trình nào chịu nổi, tuổi thọ giảm rất nhanh".
Ngoài ra, theo ông Thuỷ, thu phí trở lại cũng là giải pháp tốt để điều chỉnh những bất cập, lãng phí hiện nay trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Thứ nhất, là kiểm soát lưu lượng, bảo đảm tốc độ và bảo vệ công trình. Thứ 2, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, thiếu thốn, thì thu 1 đồng quý 1 đồng.
"Trong khi đất nước còn khó khăn, thiếu tiền chăm chút cho đầu tư phát triển ĐBSCL thì đây là việc lãng phí rất lớn. Cần phải thu để hoàn vốn cho ngân sách hoặc trang trải cho các công trình hạ tầng khác" – Ông Thuỷ nói.
Theo ông, lấy chính nguồn thu đó để trang trải cho các công trình, dự án giao thông cấp thiết khác ở ĐBSCL, nơi làm ra phần lớn lúa gạo, cây trái, cá tôm xuất khẩu nhưng đường sá nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển, không khơi gợi được tiềm năng vùng đất giàu có này là điều cần thiết và hợp lý.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy: Thu hay bỏ?
Trước việc có thông tin Doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất xoá trạm thu phí BOT Cai Lậy, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: "Dự án BOT Cai Lậy không liên quan đến các nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuy nhiên, khi dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 2021) thì cùng một lúc, sẽ có 2 tuyến đường thu phí là trên cao tốc và Quốc lộ 1. Như vậy, vướng mắc ở đây chính là đi trên đường nào người dân cũng bị trả phí mà không có sự lựa chọn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng giải pháp tối ưu là nên xoá bỏ trạm thu phí Cai Lậy để người dân có quyền lựa chọn: nếu đi quốc lộ thì không phải trả phí; vào cao tốc thì phải trả phí. Còn việc thu phí của tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương là để nộp vào Ngân sách nhà nước và Nhà nước sử dụng nguồn đó như thế nào thì theo quy định của pháp luật".
Nhìn xa hơn, ông Lưu Xuân Thuỷ cảnh báo: "Hiện nay tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2021. Tiếp đó, tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng sẽ được khởi công, nội hoàn chỉnh TP.HCM – Cần Thơ. Tuy nhiên nếu không kiểm soát từ bây giờ, để đầu tuyến TP.HCM – Trung Lương hư hỏng, xuống cấp thì sẽ không phát huy được toàn tuyến. Đặc biệt lúc đó, sẽ không có xe cộ lưu thông vào cao tốc (do đầu tuyến xuống cấp, hư hỏng), sẽ tác động xấu tới phương án tài chính của toàn tuyến, không phát huy được tác dụng của đường cao tốc".
Làm việc với Doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận hôm 11/10, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và đoàn giám sát của Quốc hội đã đánh giá cao đề xuất này và cho biết sẽ thảo luận, trình Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ các phương án hợp lý về việc cho thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương để bảo đảm an toàn cho công trình, phát huy tác dụng cao tốc, giảm tai nạn giao thông và có nguồn thu trang trải cho các dự án cấp thiết khác của vùng.