Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành
- Bài thuốc hay
- 13:21 - 24/08/2020
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tai nạn lao động trong khai thác đá đang chiếm gần 20% tổng số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, trong đó các sự cố, tai nạn do khâu nổ mìn trên mỏ đang gây những thiệt hại lớn. Điển hình như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, tỉnh Nghệ An vào năm 2011 đã khiến 18 người chết, 7 người bị thương. Thay vì khai thác bóc tách đá theo quy trình từ trên núi xuống thì chủ công trình lại cho công nhân khoét phía dưới khiến mỏ sập. Việc cẩu thả, sai quy trình trong khai thác đá đã gây tai nạn lao động thương tâm.
Gần đây nhất ngày 1/6/2020, tại khu vực khai thác mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh (thuộc xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người chết. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình rải dây để đấu nối mạng nổ mìn phá đá tại công trường, mưa dông kèm theo sét đánh bất ngờ xảy ra, khiến mìn phát nổ, làm khối lượng lớn đá sạt xuống gây chết người.
Thực tế, tai nạn lao động thường xảy ra do sự trục trặc của một trong các khâu của quá trình khai thác đá hoặc quá trình làm không đúng thiết kế.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), để tiến hành khai thác một mỏ đá có nhiều đơn vị cấp phép. Đơn cử như mỏ lộ thiên là do ngành tài nguyên môi trường cấp, ngành xây dựng phê duyệt quản lý về thiết kế; cấp vật liệu nổ công nghiệp thuộc ngành công thương quản lý. Còn ngành lao động tham gia thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tuy nhiên, nhiều mỏ nhỏ lẻ ở các địa phương do diện tích hẹp, do đầu tư không bài bản, không có thiết kế cho nên chủ doanh nghiệp hay làm tắt, thường khoan nổ mìn những vách núi và đá lăn xuống. Bên cạnh đó, trong quá trình dùng vật liệu nổ công nghiệp, việc sử dụng công nhân không lành nghề, không được đào tạo bài bản, thao tác không đúng quy chuẩn sẽ xảy ra rất nhiều yếu tố mất an toàn lao động
Ông Hà Tất Thắng cũng đánh giá: "Việc khai thác các mỏ đá tại các địa phương do doanh nghiệp nhỏ đầu tư nên thường khai thác không đầy đủ theo các thiết kế, lao động không được đào tạo bài bản, quá trình làm thì lại bớt xén quy trình dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Hiện quy định của pháp luật về ATLĐ tương đối rõ, song quá trình thực thi tại địa phương chưa nghiêm. Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh về mặt ATLĐ nhưng để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành và chính quyền cơ sở".
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) hiện nay rất đa dạng. Nhiều đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhưng việc kiểm tra, giám sát các đối tượng sử dụng còn hạn chế ở một số địa phương dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Các doanh nghiệp nhỏ sử dụng VLNCN bỏ qua nhiều quy trình, quy định an toàn, dẫn đến mất an toàn. Nguyên nhân do y thức tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp chưa cao và chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện đầu tư, khiến kỹ thuật và phương pháp khai thác mỏ lạc hậu, chưa đảm bảo an toàn. Công tác huấn luyện an toàn lao động khi sử dụng VLNCN những lúc trời bất trợt mưa dông, sét thường bị bỏ ngỏ, người lao động làm theo kinh nghiệm,…
Ông Nguyễn Văn Sáng, Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ cho biết: Đơn vị đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn lao động nghiêm ngặt. Đơn vị xây dựng mạng lưới cung ứng và dịch vụ nổ mìn theo vùng, khu vực trên toàn quốc theo hướng chuyên môn hoá. Quy trình an toàn lao động được đơn vị áp dụng nghiêm ngặt từ đào tạo, huấn luyện, sử dụng công nghệ tiên tiến và sản xuất thuốc nổ với tính năng an toàn cao và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa trong thi công nạp mìn để giảm số người lao động tham gia nạp nổ mìn, nâng cao mức độ bảo đảm an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý an toàn, sức khoẻ, môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, 45001…
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, để đảm bảo an toàn lao động trong quá trình khai thác mỏ thì sớm hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành, đảm bảo chặt chẽ phù hợp với thực tế; Kiểm soát, quản lý chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp phép, kết hợp với kiểm tra thực địa bảo đảm mức độ an toàn lao động phù hợp trước khi cấp giấy phép.Đối với việc thanh tra, cơ quan quản lý không nên hậu kiểm mà phải thực hiện tiền kiểm ngay từ khi cấp phép cho doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ. Việc thực hiện quy trình, huấn luyện đảm bảo an toàn lao động phải thực hiện nghiêm tại các đơn vị.
Ông Hà Tất Thắng cũng cho rằng: Hiện lực lượng thanh tra về an toàn lao động mỏng nên chúng tôi chỉ làm điểm để từ đó địa phương tăng cường quản lý. Tuy nhiên, trong quản lý thì khuyến khích doanh nghiệp sử dụng đơn vị sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp trong nổ mìn sẽ hiệu quả và đảm bảo an toàn lao động. Vì vậy, các mô hình cung ứng, sử dụng VLNCN chuyên nghiệp, khép kín từ khâu thiết kế khai thác mỏ, đánh giá tác động nổ mìn, đánh giá tác động môi trường mỏ cần được nhân rộng để góp phần giảm nguy cơ mất an toàn lao động; đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội.
Các ý kiến tại tọa đàm, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý VLNCN thống nhất: Để đảm bảo an toàn lao động, đã đến lúc chuyên môn hóa các khâu kỹ thuật từ cung ứng và dịch vụ nổ mìn theo từng vùng theo hướng chuyên môn hóa.