CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Cắn răng xin về vì nhà nghèo, không có bảo hiểm y tế

 

Nhờ có sự giúp đỡ từ các bác sĩ mà ông L. đã được cứu sống.


Ngày 18-5, BS CKI Nguyễn Hiền Hải, Đơn vị Can thiệp nội mạch, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết mới đây BV tiếp nhận người bệnh Phan Văn L. (sinh năm 1947, An Giang). Ông L. đến khám bệnh tại BV ĐH Y Dược. Trong lúc đang ngồi đợi khám bệnh, người bệnh đột ngột ngã xuống, co giật và bất tỉnh. Ngay lập tức người bệnh được nhân viên y tế đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái, thở ngáp, mạch và huyết áp không đo được.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp đặc biệt cho người bệnh. Sau 15 phút cấp cứu, người bệnh đã có nhịp tim trở lại. Bác sĩ nhận định nhanh đây là một trường hợp ngưng tim - rối loạn nhịp thất có thể do nhồi máu cơ tim cấp.

“Có nhiều trường hợp người bệnh bị nhồi máu cơ tim vùng hoành tương tự như ông L., vùng đau không phải ở ngực trái, mà lại đau vùng thượng vị, đi khám bị nhầm tưởng là viêm dạ dày nên được kê thuốc điều trị đau dạ dày. Nhiều trường hợp người bệnh uống thuốc không đỡ, nhập viện cấp cứu mới được chẩn đoán nhồi máu cơ tim thì đã muộn. Do cơ tim đã bị hoại tử gây nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, ngừng tim, ngừng hô hấp, thậm chí đột tử. Trường hợp người bệnh này rất may mắn vì bất tỉnh ngay trong khuôn viên bệnh viện nên được xử trí cấp cứu kịp thời” - BS Hải nói.

ThS-BS Trần Hòa, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch, BV ĐH Y Dược, đánh giá khi chụp động mạch vành thì thấy có hai nhánh động mạch vành bị tổn thương, trong đó đoạn giữa động mạch vành phải gần như bị tắc. Người bệnh được chỉ định can thiệp nong và đặt stent động mạch vành phải để tái thông lại mạch máu bị tắc.

Chị Lụa, con dâu của ông L., kể cha chị đã bị bệnh từ cả tháng nay, có lúc đau ngực, có lúc đau ở vùng thượng vị, đau tái đi tái lại nhiều lần và khó thở. Bác sĩ tư ở gần nhà chẩn đoán là viêm dạ dày và có chích thuốc nhưng không đỡ. Cả gia đình gom góp được ít tiền để đưa ông lên TP.HCM khám tổng quát mong muốn tìm ra bệnh, không ngờ lúc chờ khám bệnh thì xảy ra sự việc trên.

“Khi nghe bác sĩ giải thích bệnh tình và chi phí điều trị, gia đình rất mong muốn điều trị cho ba nhưng ngặt nỗi do ông không có BHYT nên chi phí điều trị quá sức đối với gia đình. Anh em trong nhà đều là công nhân nên đành bất lực. Vì vậy nên đành cắn răng xin cho ba về” - chị Lụa tâm sự.

Khi biết được hoàn cảnh của bệnh nhân L., các bác sĩ đã thuyết phục người nhà để ông ở lại điều trị vì khả năng cứu sống rất cao.  

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội BV này, cho biết: “Ngay khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh này, chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo, đồng thời vận động các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm để cùng nhau giúp người bệnh. Ngay sau đó, ông L. đã được nong động mạch vành cấp cứu bằng một stent có phủ thuốc loại tốt nhất do nhà hảo tâm tài trợ, với tổng chi phí hơn 50 triệu đồng”.

Qua đây, BS Trần Hòa cũng khuyến cáo nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, khả năng tử vong cao. Chính vì vậy, khi người bệnh có các triệu chứng gợi ý như đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm - vai hoặc tay trái. Một điều đặc biệt lưu ý, một số trường hợp như người bệnh này, nhồi máu cơ tim nhưng không đau ngực, biểu hiện thông qua triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, thường bị nhầm với các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày.

Các cơn đau thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ; cảm giác nghẹn - thắt chặt hay đè ép; đặc biệt là cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10-20 phút không đỡ thì nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Hiện tại ông L. vẫn đang được theo dõi tại BV ĐH Y Dược.

 

BHYT là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Tuy nhiên, do không thực sự hiểu được ích lợi của việc tham gia BHYT, không ít người đã không mua BHYT. Chỉ đến khi bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn ập đến, cả gia đình phải còng lưng lo viện phí, có thể phải bán nhà, vay nặng lãi, thậm chí không thể điều trị do không lo đủ chi phí. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ những ích lợi để tham gia BHYT là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình.

ThS-BS Trần Hòa, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết chỉ tính riêng bệnh nhồi máu cơ tim, mỗi năm có khoảng 500 trường hợp cấp cứu tại BV này. Trong đó, có rất nhiều trường hợp hiểm nghèo cần có nhiều tiền mới có thể điều trị được. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Có nhiều người phải cầm cố, bán nhà thậm chí vay mượn mới có đủ chi phí điều trị trong những lúc thập tử nhất sinh. BHYT hiện nay có thể chi trả khá tốt cho các loại bệnh lý này, trung bình khoảng 50%-80% tổng chi phí điều trị. Ngoài BHYT, một số hình thức bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ cũng chi trả chi phí điều trị và hỗ trợ viện phí cho các bệnh lý hiểm nghèo. Nếu có bảo hiểm sẽ giảm gánh nặng tài chính rất nhiều cho việc điều trị của người bệnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh