CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:02

Để đạt mục tiêu bình đẳng giới, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

 

Đoàn khảo sát do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW  Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn khảo sát còn có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cùng đại diện văn phòng Trung ương Đảng, Hội LHPN Việt Nam. Về phía Bộ LĐ-TB&XH còn có các Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Đào Hồng Lan, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia buổi làm việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất nên có đánh giá, tổng hợp toàn bộ chính sách đặc thù, chính sách vượt trội trong 10 năm qua đối với công tác phụ nữ

 

Trình bày dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước và là cơ quan thường trực của UBQG, Ban cán sự đảng Bộ luôn quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai các nội dung của Nghị quyết 11-NQ/TW. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác phụ nữ của Bộ, ngành đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn ngành và bản thân đội ngũ cán bộ nữ.

Ông Tiến cho biết, năm 2016, Bộ đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 44 văn bản liên quan trong các lĩnh vực lao động, trẻ em. Bộ luật Lao động 2012 đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều theo hướng tập trung vào 3 nhóm nội dung quan trọng ở 11 chủ đề lớn, trong đó vấn đề giới và đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu, chính sách lao động nữ được đặc biệt quan tâm. Lao động nữ nông thôn là một trong những đối tượng được ưu tiên đào tạo nghề trong giai đoạn 2011-2015.

Trong 5 năm (2011-2015) đã có trên 3,5 triệu lao động nữ nông thôn được học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (chiếm 43%), trong đó trên 2 triệu lao động nữ được hỗ trợ học nghề theo các chính sách, đề án (chiếm 46%). Tổng cục Dạy nghề đã hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan liên quan trong phạm vi cả nước ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nữ, nâng tỷ lệ nữ được học nghề lên 50% trong chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày được khẳng định, bước đầu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng, ước có khoảng trên 46% lao động nữ được học nghề theo chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trên 40% lao động nữ được giải quyết việc làm.

 

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao công tác lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn liên tục tăng. Số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu và điều kiện đã được vay vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo và các nguồn khác đạt 100%. Bên cạnh đó, công tác xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu được triển khai sâu rộng.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn còn những tồn tại, thách thức: Một số chỉ tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW đặt ra quá cao, chưa sát với thực tiễn nên không thể hoàn thành, ví dụ chỉ tiêu nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn thấp so với lực lượng lao động nữ, đặc biệt cán bộ nữ đứng đầu đơn vị.  Do sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ. Thực tế cho thấy, chế độ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm đã làm cho phụ nữ ít có cơ hội được đề bạt ở những vị trí cao hơn so với nam giới. Mặt khác, khi có sự kéo dài về tuổi nghỉ hưu của một số chức danh, nhưng chưa sửa tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cho những chức danh này, dẫn đến sự hẫng hụt  trong công tác đào tạo cán bộ nguồn là nữ.

Nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động xã hội, nhưng chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực thu nhập thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật không đòi hỏi cao. Nguy cơ thất nghiệp, phải chuyển đổi nghề nghiệp của lao động nữ làm trong lĩnh vực gia công khi cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Lao động nữ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp công việc gia đình, con cái vì trong các khu công nghiệp thiếu các hạ tầng phúc lợi xã hội như nhà ở, trường học, nhà trẻ …

Thứ trưởng Đào Hồng lan phát biểu tại buổi làm việc.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá 10 năm qua, công tác phụ nữ và bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Có nhiều chỉ số thể hiện sự tiến bộ mà không đo đếm được: Đời sống và trình độ học vấn của phụ  nữ được nâng lên; nhận thức và trách nhiệm các cấp ủy Đảng thực hiện NQ 11 có thay đổi rõ rệt; Hệ thống chính sách 10 năm qua đặc biệt các Luật: Lao động, Dân sự, Hình sự, Trẻ em đều lồng ghép giới. Hệ thống chính sách tương đối đồng bộ, hoàn thiện và các chính sách bắt buộc phải có lồng ghép giới”.

Theo Bộ trưởng, công tác xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, bình đẳng giới trong gia đình đã có nhiều tiến bộ. Bộ trưởng ví dụ, ngay như trong cuộc sống hàng ngày, tỷ lệ nam giới cùng gánh vác công việc gia đình với phụ nữ ngày càng tăng. Hay đội ngũ nữ nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý được tạo điều kiện thuận lợi.

“Tổng  kết NQ 11 cần xem xét đến vấn đề về lao động nữ như: Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện chủ yếu là nữ làm việc tại DN tư nhân và DN FDI. Các doanh nghiệp FDI thường sử dụng lao động không cần bằng cấp và lao động trẻ, khi lao động từ 35 tuổi, DN lách luật để người lao động tự nguyện rời bỏ Cty như chuyển đi công tác xa, áp lực công việc lớn,.... Với sự phát triển công nghệ số, đến 2022, giày da, dệt may khoảng 76% lao động sẽ phải rời bỏ khỏi dây chuyền. Vấn đề nhà ở cho công nhân, đặc biệt nữ công nhân đang là vấn đề bức xúc. Hay như tại các trường nghề, các ngành nghề được đào tạo chủ yếu phù hợp với lao động nam hơn”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại buổi làm việc.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất: “Nên có đánh giá khách quan về những kết quả đạt được của NQ 11, đặc biệt, đánh giá, tổng hợp toàn bộ chính sách đặc thù, chính sách vượt trội trong 10 năm qua đối với công tác phụ nữ. Để đạt được mục tiêu công tác phụ nữ cũng như bình đẳng giới cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, nên thiết kế 2 loại chính sách: Chính sách phổ thông và chính sách dành cho những lực lượng đi tắt đón đầu trong nữ”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao vai trò của Bộ LĐ-TB&XH nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ LĐ-TB&XH “gánh 3 vai”, là cơ quản lý nhà nước về BĐG; cơ quan thường trực UB Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ; đồng thời là cơ quan liên quan nhiều chính sách an sinh xã hội luôn quan tâm công tác phụ nữ. Các văn bản pháp luật, pháp lệnh do Bộ chủ trì lồng ghép giới rất rõ ràng.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thời gian tới tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát về lao động nữ, bình đẳng giới. Đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu quốc gia nên bỏ những chỉ số không cần thiết, thay vào đó những chỉ tiêu cấp thiết để thống kê.

Tính đến ngày 31/12/2016, Bộ LĐ-TB&XH có 701 công chức, trong đó, nữ 308 người. Bộ có 2.276 viên chức, trong đó nữ chiếm 49,7%. Chức danh Bộ trưởng nhiệm kỳ 2007-2011 có 1 đồng chí nữ; chức danh Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016: 1 đồng chí là nữ; chức danh Thứ trưởng năm 2017: 1 đồng chí là nữ; chức danh Vụ trưởng và tương đương tại các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ năm 2017: 5 đồng chí; chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương năm 2017: 31 đồng chí. Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2006-2010, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 10,53%; nhiệm kỳ 2010-2015 có 5/23 đạt 21,74%; nhiệm kỳ 2015- 2020 có 5/24 đạt 20,83%. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh