THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:43

Cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ

Thảo luận tại tổ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)


Các đại biểu nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày nêu rõ sự cần thiết sửa đổi luật này.

Sau hơn 9 năm thực hiện, luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan.

Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến dân quân tự vệ chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ…

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 8 chương, 50 điều (giảm 01 chương, 16 điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009). 

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày trước Quốc hội cũng cho thấy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Dự án Luật khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, tập trung vào 8 điểm chính, bao gồm vị trí, chức năng của dân quân tự vệ; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ; nhiệm vụ của dân quân tự vệ; tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy dân quân tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn, đội trưởng... cùng một số nội dung khác liên quan.

Cụ thể trong việc giải thích từ ngữ, có ý kiến đề nghị cần làm rõ các cụm từ “dân quân” và “tự vệ,” vì dự thảo Luật có một số quy định về dân quân và tự vệ không giống nhau, như: về tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ, chế độ, chính sách...

Đối với tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, có ý kiến đề nghị, nghiên cứu về tổ chức của dân quân tự vệ để tránh “chính quy hóa” lực lượng này, không phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân hoặc quy định cụ thể về điều kiện thành lập, quy mô tổ chức của đơn vị dân quân tự vệ ngay trong luật để thực hiện thống nhất.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật văn bản để quy định chặt chẽ, chính xác và bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.

Thảo luận tại tổ về nội dung này,  góp ý về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết phải sửa đổi Luật này nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cùng với quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ biển nhằm góp phần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.  
Ý kiến của các đại biểu cho rằng cần xem xét lại tổ chức dân quân tự vệ trong các doanh nghiệp để đảm bảo tính phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra để luật có tính khả thi cao, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần lưu ý về các chế độ thi đua khen thưởng trong lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về chế độ thi đua khen thưởng. Thống nhất tên gọi đối với các chức danh trong lực lượng dân quân tự vệ, quy định rõ về trang phục, chế độ chính sách, phụ cấp đặc thù của đội ngũ dân quân tự vệ.

Đối với dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Dân quân tự vệ, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: Vị trí, chức năng và nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; Việc sử dụng một số thuật ngữ trong Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Tổ chức, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ; Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; Tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp; Hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng; Chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi cho Dân quân tự vệ…Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đã nêu trong nội dung Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung, như: Tình hình triển khai thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2004 và nghị quyết số 81; Thực tế và nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; Điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh